Những ngày qua, câu chuyện thực hư về những nhà ngoại cảm và khả năng nói chuyện với người chết của họ đang gây ra những thông tin dư luận trái chiều. Chúng tôi đã có những tìm hiểu về cuộc đời của các nhà ngoại cảm này.
Và, thật kỳ lạ là trước khi bước chân vào “thế giới người âm” đa phần các nhà ngoại cảm đều có một quá khứ không lấy gì làm tốt đẹp cho lắm. Ví dụ như tù tội, lừa đảo, trốn nợ, nghiện ma túy hay thậm chí là thất học, không biết chữ. Vậy nguyên nhân vì sao mà từ những con người như vậy, bỗng chốc họ trở thành các nhà ngoại cảm, được nhiều người kính trọng, sùng bái và tôn làm bậc thần thánh, sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nghe những người này nói, dù sự thật thì chưa kiểm chứng được.
Chuyện bà Hằng bị chó dại cắnHãy bắt đầu bằng Phan Thị Bích Hằng, nhà ngoại cảm số 1 ở Việt Nam. Bà Hằng kể, khoảng năm 17 tuổi, đang trên đường đi học về, bà bị chó dại cắn, cùng với một người bạn cùng lớp nhưng người kia thì chết, còn bà đã may mắn sống sót sau khi lên cơn…điên dại. Kết quả của cuộc “tái sinh” ấy đã biến Phan Thị Bích Hằng, một cô gái quê mùa trở thành nhà ngoại cảm bậc nhất, được nhiều người sùng kính đến ma mị. Từ đây, theo lời bà Hằng thì sau khi thoát chết trong cơn điên dại ấy, giữa thời khắc sống và chết, bà đã nói chuyện được với người âm.
Kết quả là, bà đã được nhiều tổ chức, cá nhân mời đi… nói chuyện với người âm với mục đích tìm mộ liệt sĩ, đáp ứng những nguyện vọng mong mỏi của hàng chục ngàn gia đình trên khắp cả nước. Vậy nhưng, điều đáng nói là trong biến cố suýt chết của bà Hằng kia, những người dân sinh sống cùng làng, thậm chí cùng xóm với bà đều không ai biết.
Thực tế thì ngay cả việc bị chó dại cắn, người bạn học cùng lớp bị chết cũng không một ai biết, kể cả thầy giáo chủ nhiệm 3 năm học cấp 3 của bà Hằng. Kể về chuyện này, thầy giáo Nguyễn Tử Nhiên - giáo viên dạy ở Trường cấp 3 Yên Khánh B (Ninh Bình), người trực tiếp chủ nhiệm bà Hằng trong niên khóa (1986-1988) - cho biết thầy có nghe học sinh nói là Hằng bị chó dại cắn, bị chết lâm sàng nhưng chuyện người bạn học bị chết vì chó dại cắn thì tuyệt nhiên không có. Hơn nữa, hầu như tất cả người dân ở quê Hằng đều khẳng định, khoảng thời gian trên ở địa phương không có ai bị chó dại cắn chết. Còn chuyện bà Hằng bị chó dại cắn thì đúng là sự thật.
Tiêm heroin tự tử nhưng hóa thành nhà ngoại cảmQuay trở lại việc những nghi vấn về các nhà cảm sau một biến cố cực lớn trong đời bỗng nhiên có được khả năng đặc biệt, có thần giao cách cảm, sống được cả ở thế giới thực lẫn thế giới của người đã chết. Một trong số đó là nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn, một kẻ nghiện ngập, trộm cắp và nổi tiếng du côn du đãng ở địa phương, trong cuốn tự truyện “Nẻo về” của mình đã kể:
"Lúc đó, tôi đang là một con nghiện nặng, suốt ngày vật vờ đói thuốc. Khi thì trộm cắp, lúc thì trấn lột xe đạp, tiền của mấy em học sinh tiểu học quanh nhà để bán lấy tiền hút thuốc phiện. Nhưng, trong thâm tâm mình, tôi khao khát được dứt bỏ khỏi nàng tiên nâu, mà không biết bằng cách nào. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cách, dồn tất cả tiền nong mình có, khoảng hơn 2 triệu đồng rồi mua tất cả… heroin rồi tiêm vào người với mong muốn sẽ “sốc thuốc” và chết đi một cách thanh thản. Ai ngờ, lần sốc thuốc ấy tôi lại không chết, chỉ đứng giữa gianh giới của cái chết và sống nên bỗng nhiên nghe tiếng người một người cậu (là em của mẹ Tuấn, đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc) thì thầm vào tai, rằng mộ cậu đang ở nơi này, chỗ này".
Kỳ lạ hơn nữa, sau trận sốc thuốc thập tử nhất sinh ấy, Tuấn lại hết… nghiện thuốc phiện và đã nghe theo lời người cậu, một mình đi tới đó, tìm đúng mộ người cậu và bốc cất mang về trong sự cảm kích của người thân. Sau đó, Tuấn còn giúp các cơ quan đoàn thể tìm thêm nhiều mộ hài cốt liệt sĩ nữa ở rải rác khắp nơi trong cả nước.
Ông Tuấn với một lý lịch không tốt đẹp trong quá khứ bỗng nhiên thành một con người khác, tự xưng là “người nhà trời” với những khả năng kỳ lạ nối liền cõi âm và dương thế mà còn nhiều nhà ngoại cảm cũng có những quá khứ như thế. Thậm chí còn vào tù, ra tội như nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy hay Vũ Thị Hòa.
Bán cá vỡ nợ, tự phong nhà ngoại cảmTheo đó, bà Hòa (phường Đồng Tâm, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) 41 tuổi, chỉ là một người buôn cá tôm ngoài chợ. Từng đi buôn cá ở chợ đầu mối rồi mang về các chợ nhỏ bán lại nên bà khá lanh lẹn, an nói dễ nghe nhưng được một thời gian, thấy làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều nên bà lại chuyển qua buôn… rắn và động vật hoang dã. Được một thời gian, bà bị công an bắt, lập biên bản vì hành vi buôn bán vận chuyển trái phép động vật hoang dã, có cảnh cáo về nơi cư trú. Sau đó, có nhiều người đi cả ô tô về nhà bà đòi nợ. Thấy vậy, bà Hòa bèn bỏ chồng cùng 4 người con ở nhà, bảo lên Hà Nội làm ăn một thời gian.
Khoảng 5 tháng sau, bà về và tự nhận là "thánh" xuống trần gian, có khả năng siêu nhiên và đặc biệt, bà Hòa có khả năng… tìm mộ liệt sĩ. Để những người khác tin, bà trưng ra rất nhiều đĩa DVD về hình ảnh nhập vong, nhập hồn của mình rồi tự ý xây điện thánh, cúng bái suốt ngày đêm. Sau đó, bà Hòa còn lập ra một “đoàn tâm đức Yên Bái” chuyên đi tìm mộ liệt sĩ ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Trong tất cả các lần tìm mộ của bà Hòa đều có một cách làm duy nhất, bà nhập vong và được liệt sĩ đã chết báo lại địa điểm mà liệt sĩ… đang yên nghỉ để rồi bầu đoàn của bà căng bạt, phủ kín một vùng rồi đào bới.
Đặc biệt, hài cốt liệt sĩ nào bà Hòa tìm được cũng có một ít đất đen, chiếc cúc áo đặt trong một lọ thủy tinh nhỏ như ngón chân cái người lớn. Cuối cùng, sau nhiều vụ làm ăn như vậy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã phải đưa xuống địa phương một công văn mang số 50/CCT-PCS ngày 9.1.2012 nêu rõ, tất cả những việc làm ngụy biện là tìm hài cốt liệt sĩ của bà Hòa và phái đoàn Tâm đức Yên Bái là giả mạo, không có căn cứ bởi tất cả hài cốt mà bà Hòa tìm được đều là giả mạo.
--------------
Có thể nói, cái mô-típ chết đi sống lại, giữa ranh giới sống chết luôn là lý do mà các nhà nhà ngoại cảm của chúng ta sử dụng, tạo nên một bức màn linh thiêng, bí ẩn, kỳ dị, ma quái bao phủ quanh mình khiến những điều mà các "thầy", "cô" nói ra có uy lực, linh thiêng để buộc người khác phải tin.
Thậm chí, như một nhà ngoại cảm còn nói với thân nhân của liệt sĩ rằng, nếu người nhà mà không tin lời "thầy", sẽ có người tiếp theo phải…chết vì “thầy” đã lỡ đụng đến nơi yên nghỉ ngàn thu của người âm theo như mong muốn của thân nhân đang nhờ cậy.
Chính vì tâm lý này mà nhiều gia đình liệt sĩ đã cắn răng nghe theo "thầy", dù cũng có ít nhiều nghi vấn sau những biểu hiện bất thường của nhiều nhà ngoại cảm.
Hoặc, trong tất cả các trường hợp, các nhà ngoại cảm đều nói rằng, nếu đem mẫu xương mà các "thầy" tìm thấy đi xét nghiệm ADN thì sẽ là xúc phạm tới… liệt sĩ, vì thế, chỉ cần đem về nhà thờ cúng là đúng với… đạo lý uống nước nhớ nguồn rồi.
Sau gần 2 năm điều tra, thu thập các tư liệu để chứng minh những điểm “mập mờ” trong các câu chuyện được sử dụng như căn cứ chắc chắn chứng minh cho khả năng ngoại cảm siêu việt của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, PV đã được bà Hằng chủ động liên hệ gặp để đưa ra những lời giải thích. Tuy nhiên, những lời giải thích này lại càng khiến cho những câu chuyện mà bà Hằng kể ra trước đó thêm khó tin...
Bài 1: Không ai làm chứng cho câu chuyện bà Hằng "bị chó dại cắn"Câu chuyện đầu tiên mà PV lần theo chính là sự kiện về đám tang ở tuổi 17 của cô thiếu nữ Phan Thị Bích Hằng sau khi Hằng bị chó dại cắn. Có thể nói, lần chết đi sống lại này là bước ngoặt khai sinh ra một “huyền thoại ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng ngày hôm nay.
 |
Gần đây, Phan Thị Bích Hằng thường xuyên phải đối mặt với các dấu hỏi về khả năng ngoại cảm của bà. |
PV đã tập trung vào các tình tiết được nhiều người biết đến và vẫn tin tưởng: Có thực sự bà Bích Hằng bị chó dại cắn chết? Đám tang với các tình tiết bố bà Bích Hằng – một vị đại tá quân đội (như lời bà Hằng giới thiệu) đã bắn 7 phát súng lên trời để tỏ lòng thương tiếc con gái có thật hay không? Có hay không chuyện ông lang Rồng – người đã bốc thuốc bằng gỗ ván thôi cho bà Hằng uống để trị những cơn dại do chó dại cắn? Người bạn gái học cùng bà Hằng cũng bị chó dại cắn và qua đời trước khi bà Hằng chết lâm sàng có thật hay không?
Gặp những nhân chứng về chuyện bà Hằng bị chó dại cắnĐể trả lời hàng loạt câu hỏi mang tính quyết định này, PV đã mất nhiều ngày tìm về xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (quê nhà của bà Phan Thị Bích Hằng) để tìm những chứng cớ thuyết phục. Tuy vậy, khi tìm hiểu, hỏi chuyện những người hàng xóm gần nhà bà Hằng gần như không hay biết về đám tang của một cô gái trẻ với những phát đạn chát chúa từ người bố - vị đại tá quân đội. Bà Phạm Thị Cạnh, một người hàng xóm sống cách nhà của Bích Hằng chưa đầy 300m, có con trai học cùng cấp 3 với bà Bích Hằng khẳng định như đinh đóng cột: “Đám tang nào nhỉ? Tôi không biết! Cái Hằng nó có chết thực vật hồi nào đâu mà bảo nó có đám tang?”.
Bài báo này không phủ nhận toàn bộ quá trình hoạt động ngoại cảm được nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân thừa nhận của của bà Phan Thị Bích Hằng, mà chỉ đề cập tới độ chính xác những câu chuyện từng được bà Hằng kể ra để minh chứng cho nguồn gốc phát lộ khả năng ngoại cảm của bà.
“Ngày xưa, tôi và Bích Hằng có học cùng một lớp nhưng quả thực về việc chết hụt của cô ấy và đám tang như lời anh kể thì tôi không biết gì” - anh Thuần, con trai của bà Cạnh tiếp lời. Anh Thuần cũng khẳng định lớp mình học – cũng là lớp của bà Bích Hằng - không có bất kỳ bạn nữ nào bị chó dại cắn chết. Đây cũng là lời khẳng định của thầy Nguyễn Tử Nhiên, giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp III của bà Phan Thị Bích Hằng và anh Thuần (khóa lớp A2 khóa 1986 – 1988 tại Trường cấp 3 Yên Khánh B). Anh Vũ Văn Chinh, học trò cũ của thầy Nhiên và là bạn cùng lớp cấp 3 với Bích Hằng cũng khẳng định: “Lớp tôi học không có ai bị chó dại cắn chết cả”.
Về chuyện chữa trị bệnh chó dại cắn, bà Hằng có kể lại trong clip được đưa lên mạng và nhiều người theo dõi rằng: Gia đình đưa cô đi chữa trị nhiều nơi, bằng cả Đông y lẫn Tây y, song các bác sĩ, thầy lang đều lắc đầu, bởi bệnh này từ xưa đến nay không ai chữa khỏi. Khi đến nhà một ông thầy lang theo Thiên chúa giáo, ông xem xét kỹ biểu hiện cơ thể rồi nói một câu an ủi: “Chúa lòng lành sẽ che chở cho con”. Sau đó, ông bảo người con trai ra nghĩa địa lấy một mảnh ván (ván thôi) người ta vừa bốc lên hôm trước, rồi bào chế với vài vị thuốc. Để giành giật lại sự sống, gia đình đã cho cô uống ngay vị thuốc khủng khiếp này và quả nhiên, cô qua khỏi cơn nguy kịch.
Để kiểm chứng thông tin ông lang Rồng, người đã bốc vị thuốc có gỗ ván thôi tại nghĩa địa cho bà Bích Hằng uống, trong vai một người có người nhà bị chó dại cắn, PV đã khẩn khoản nhờ bà Thọ, mẹ bà Bích Hằng: “Cháu đọc báo thấy bảo cô Bích Hằng nhà mình từng bị chó dại cắn, nhưng nhờ được một ông lang cho uống vị thuốc lạ có gỗ ván thôi nên qua khỏi cơn nguy kịch. Cháu mong bà chỉ giúp cháu địa chỉ của ông lang đó để cháu tới xin thuốc cứu người nhà”. Trả lời, bà Thọ chỉ nói ngắn gọn: “Ông lang đó là ông lang Rồng, nhà ở Ninh Sơn, Ninh Bình. Nhưng tiếc là ông ấy chết được mấy năm rồi”.
Quyết tìm hiểu tới cùng, theo lời chỉ dẫn của bà Thọ, PV đã tìm đến phường Ninh Sơn, TP.Ninh Bình. Đúng như lời bà Thọ nói, ông lang Rồng đã qua đời từ mấy năm trước. Khi tìm đến hiệu thuốc mang tên ông lang này, đang được quản lý bởi anh Phạm Văn Hà, con trai thứ hai của ông lang Rồng, PV được anh Hà cho biết: "Đúng là bố tôi có chữa chó dại cắn cho chị Bích Hằng. Nhưng chị Bích Hằng chưa hề đến nhà tôi mà chỉ có người nhà của cô ấy đến lấy thuốc mà thôi. Và bố tôi cũng không phải là người theo đạo Thiên chúa". Anh Hà cũng thừa nhận: “Thuốc chữa dại mà bố tôi bốc cho Bích Hằng có cả vị gỗ ván thôi”. Sau khi chết hụt, trong câu chuyện mang màu sắc huyền bí của mình, nhiều lần bà Hằng khẳng định mình có khả năng biết trước cái chết sẽ đến với một số người như ông Vũ Văn Trác, Bùi Văn trai...
Để xác minh những chuyện này, PV đã gặp vợ, con của ông Trác và ông Trai. Những người trong gia đình này đều khẳng định chồng, cha họ mất vì bạo bệnh và thời gian mất khác xa so với lời kể của bà Hằng. “Theo lời chị Hằng, bố chồng tôi sẽ chết trước ngày 15.7. Tuy nhiên, thông tin này không đúng vì bố tôi mất vào ngày 14.4.1989. Bố tôi mất là do trước đó bị bệnh lao” - một người con của ông Vũ Văn Trác nói.
“Đúng là ông nhà tôi đã mất. Tuy nhiên, tôi đọc báo thì thấy Bích Hằng bảo ông ấy sẽ chết vào tháng Giêng, cụ thể là ngày 24. Nhưng ông nhà tôi mất vào ngày 16.5.1990 tại BV 108. Khoảng 5 tháng trước khi ông nhà tôi mất, do bệnh của ông diễn biến quá nặng quá nên gia đình đã phải đưa ông lên Viện Quân y 108 để chữa trị” - bà Phạm Thị Cạnh, vợ ông Bùi Văn Trai kể lại.
Tiếp tục lần theo những đầu mối thông tin, PV tìm đến nhà ông Phan Văn Khải, chú ruột của Phan Thị Bích Hằng. Nhà ông Khải cũng sát nhà bà Bích Hằng. Trong câu chuyện của mình, Bích Hằng từng khẳng định: “Nhà ông chú ruột tôi ai cũng bị bệnh kỳ lạ, teo một bên chân, nghẹo một bên đầu, hoàn toàn về bên phải”. Khi phóng viên đến, ông Khải không có nhà mà chỉ có người vợ và anh con rể người Nam Định ở nhà. Bà này khẳng định: Nhà tôi không có ai bị teo chân, nghẹo cổ cả. Chỉ có tôi bị viêm đa khớp và đau ở chân vào khoảng năm 2004. Tuy nhiên, mẹ của Hằng đã cho mấy viên thuốc được mua từ bên nước ngoài về, tôi uống rồi khỏi liền.
“Tôi không dám chắc là mình bị chó dại cắn chết”Mở đầu câu chuyện với PV, bà Phan Thị Bích Hằng bày tỏ quan điểm: “Tôi được nghe là bạn về quê tôi tiến hành điều tra. Nếu cần gì, bạn cứ liên lạc với tôi để trao đổi. Tôi sẵn sàng hợp tác cho công tác điều tra. Là một nhà ngoại cảm chân chính, tôi cũng rất bức xúc với những người dùng ngoại cảm để bịp bợm, kiếm tiền”.
"Đúng là bố tôi có chữa chó dại cắn cho chị Bích Hằng. Nhưng chị Bích Hằng chưa hề đến nhà tôi mà chỉ có người nhà của cô ấy đến lấy thuốc mà thôi." - Anh Phạm Văn Hà, con trai ông lang Rồng, người được cho là đã chữa bệnh chó dại cắn cho bà Hằng
Ngay sau lời mở đầu đầy thiện chí của bà Hằng, PV đề cập với bà Hằng về những nghi vấn xung quanh cái chết của bà: Việc bà bị chó dại cắn và chết lâm sàng có thật hay không? Ai là người trực tiếp tham gia vào việc chữa trị? Ai là người chứng kiến cái chết? Bà Hằng cho hay: "Ngày đó, tôi bị con chó nhà hàng xóm cắn. Một thời gian sau tôi bắt đầu có dấu hiệu lên cơn dại. Nhà tôi đã chạy chữa khắp nơi. Có hai ông lang đã chữa bệnh cho tôi là ông lang Rồng và cụ Trương An. Cụ Trương An là người theo đạo đã nói câu: “Chúa lòng thành sẽ ban phước lành cho con”.
So với các câu chuyện đã kể, đây là lần đầu tiên tên của những vị thầy thuốc đã chữa bệnh chó dại cắn được bà Hằng tiết lộ. Cũng theo lời Bích Hằng, bà cũng không dám khẳng định là mình bị chó dại cắn chết. “Biết đâu là do uống thuốc, do bị sốc vì ảnh hưởng từ cái chết của người bạn thân?”- bà Hằng nói.
“Vào cái đêm tôi bị chết lâm sàng, lúc tôi bắt đầu lên cơn là 9 giờ tối. Lúc đó, chỉ có mấy người trong nhà biết với nhau gồm cụ, 2 người anh em của bố mẹ tôi là bác Phạm Văn Miên, bác Tranh. Có một người nữa gia đình cũng tìm đến khi có chuyện là cụ Ký người cùng làng. Nhưng bây giờ cụ đã chết”- vẫn lời bà Hằng.
Khi PV đặt câu hỏi: Tại sao cái chết của cô người làng lại rất ít biết, ngay cả những người thân như dì ruột cũng không nhớ? Bà Hằng trả lời: Lúc đó, trời rất tối, gia đình lại không muốn chuyện lan rộng. Bà dì ruột không được cho biết vì bà là người rất ốm yếu, dễ bị sốc (?).
Một thông tin cũng đáng lưu tâm là việc ông Thọ, bố bà Hằng đã dùng súng bắn nhiều phát lên trời khi con gái mình bị chết, tuy nhiên, việc này lại không hề kinh động tới xóm làng dù lúc đó là 7 giờ sáng. Lý giải về điều này, bà Hằng khẳng định: “Lúc đó, bố tôi là quân dự bị hạng nhất, có mang súng theo người. Việc bắn súng là có thật”. Khi PV hỏi sau chuyện đó, ông Thọ có bị kỷ luật không thì bà Hằng cho biết: “Không! Có thể mọi người nghe hơi khó tin, thấy vô lý nhưng sự thật là như vậy!” - bà khẳng định lại.
Không chính xác 100% đâu có làm tổn hại tới ai?Tiếp tục câu chuyện, PV đặt câu hỏi xung quanh những cái chết được Bích Hằng dự đoán. Nhà ngoại cảm này thừa nhận trường hợp của ông Bùi Văn Trai và Vũ Văn Trác không trùng hợp với thời gian chết thật của hai nhân vật này. “Tôi chỉ nhớ một người chết vào mùa đông, một người chết vào mùa hè. Trong lúc nói chuyện, có thể do tôi hưng phấn nên không nhớ đúng về mặt thời gian” - Bích Hằng giải thích.
Tuy nhiên, trong câu chuyện mà Bích Hằng từng nói vào năm 2004 về đề tài ngoại cảm trước đông đảo công chúng và giới ngoại cảm, bà đã từng nhắc rất cụ thể về thời điểm chết của hai người này đến từng giờ, từng ngày: “Cuộc sống cứ như thế trôi qua, đến ngày truyền thanh 3 cấp của xã đọc tin cáo phó cụ Vũ Văn Trác chết hồi 2 giờ chiều ngày 15.7 cả làng mới ngã ngửa ra. Thời gian tôi nói và thời gian ông mất quá gần”. Trường hợp ông Bùi Văn Trai được Bích Hằng nói rõ là mất ngày 24 tháng Giêng. Tuy nhiên, theo gia đình thì ông Trác mất vào ngày 14.4.1989.
Ngoài ra, cả hai gia đình của hai người đã khuất trên đều nói là hai người này bị bệnh nặng trước khi chết. Riêng ông Trác đã nằm viện 5 tháng trước khi mất. Điều này khác hoàn toàn với lời Bích Hằng nói họ là những người hoàn toàn khỏe mạnh.
Như để biện hộ thêm cho những sự sai lệch này của mình, bà Hằng cho rằng: “Đó là những câu chuyện thuộc về quá khứ. Tôi không làm công trình khoa học, cũng có trình bày với cơ quan pháp luật đâu mà phải chính xác tuyệt đối. Nó có thể du di, nhưng nó có làm hại tới ai đâu?”.
Về cô bạn cùng làng bị chó dại cắn chết, bà Bích Hằng đã “làm mới” lý lịch của nhân vật này khi đính chính lại: Đó không phải là cô bạn cùng lớp mà là cô bạn cùng đội ôn thi học sinh giỏi. Người bạn này không ở cùng làng mà ở xã bên cạnh.
“Khi cô kể câu chuyện đó là năm 2004, người bạn này đã chết. Khi cô nhắc về người bạn này, cô của người bạn này đã cầm một tờ báo sang và nói đừng nhắc lại về cái chết của cháu gái cô ấy vì gia đình rất đau buồn. Hơn nữa, theo gia đình bên đó thì chưa hẳn người bạn này chết vì bệnh dại”- Bích Hằng giải thích.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị bà Hằng cung cấp thông tin cụ thể về nhân thân người bạn kia để PV xác thực lại câu chuyện thì bà Hằng đã từ chối.
(Còn nữa)
"Trong sự đau khổ của tôi, tôi biết rằng rất nhiều đau khổ của những nhà ngoại cảm chân chính như tôi và cả những người hiểu rõ về tôi đã mãi mãi nằm xuống". Bà Phan Thị Bích Hằng chia sẻ: "Kể từ năm 1989 khi tôi bắt đầu nhận sứ mệnh là một người có khả năng đặc biệt. Hơn 20 năm qua đi, có lẽ hôm nay là buổi rất hiếm hoi của cuộc hành trình dài ấy, tôi chia sẻ cùng các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí cũng như những người quan tâm đến vấn đề này.
Từ khi phát hiện ra khả năng đặc biệt, tôi đã tìm đến các nhà khoa học. Năm 1989, tôi bắt đầu tìm đến Viện Khoa học kỹ thuật thể thao. Đầu tiên, người quan tâm đến khả năng của tôi đó là bác Nguyễn Văn Cừ, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật thể thao và tôi đã có một thời gian cộng tác với cơ quan này.
Sau đó được sự quan tâm của các cựu chiến binh, người đầu tiên tìm thấy năng lực của tôi đó chính là cố đại tá Vinh và người thứ hai là đại tá Vũ và người thứ ba là Thiếu tướng Chu Phác. Kết hợp với các cựu chiến binh, tôi với tư cách là đồng đội để cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ. Người thường gọi tôi là đồng đội khi ấy đó là cố Thiếu tướng, Giáo sư Diện.
Tôi rất tiếc, ngày nay giáo sư không còn nữa, đại tá Vinh cũng không còn nữa. Và một người bác vẫn gọi chúng tôi là người đồng hành, bác thường nói nói bác cầm cờ đi trước các cháu theo sau nhé là Thượng tướng Khánh cũng không còn. Đó là nỗi đau vô cùng lớn vì từ những ngày đầu, đó là những người luôn đồng hành cùng tôi, cùng tôi trải qua bao sóng gió rồi đến huy hoàng. Chính họ đã tiếp cho tôi sức mạnh để tiếp con đường này.
Tôi rất buồn và tiếc khi nhận được những thông tin vừa qua, nhưng những người đồng hành cùng tôi ngày trước, những người chứng thực việc tôi đã tìm đúng mộ liệt sĩ nay không còn.
Tôi cũng sinh ra bằng cơm cha, áo mẹ như những người khác. Tôi cũng muốn được như những người bình thường và có thiên chức của một người mẹ. Tôi cũng muốn vui vẻ cùng gia đình vào ngày cuối tuần. Ngay như con tôi, chỉ thích mẹ mặc váy là ở nhà, cả gia đình sẽ được đi chơi, còn khi mặc quần áo nghĩa là sẽ đi tìm liệt sĩ.
Khi chương trình phát trên tivi "Mãi mãi tuổi 20", con tôi ôm tivi bảo bà rằng: "Bà ơi con không muốn mẹ là liệt sĩ đâu". Còn mẹ tôi bảo "Một là con chọn mẹ, hai là liệt sĩ con chọn đi". Rồi khi chương trình "Trở về từ ký ức" phát sóng, xem chương trình trên VTV1 cả nhà tôi bật khóc. Mẹ tôi, con tôi khóc. Mọi người có hiểu cuộc sống của gia đình tôi áp lực như thế nào không. Mẹ tôi đã đột quỵ, con tôi không dám đến trường vì nghe mọi người bảo mẹ nó là nhà ngoại cảm rởm, là kẻ lừa đảo.
Trong sự đau khổ của tôi, tôi biết rằng rất nhiều đau khổ của những nhà ngoại cảm chân chính như tôi và cả những người hiểu rõ về tôi đã mãi mãi nằm xuống. Tôi cầu mong linh hồn các anh hùng liệt sĩ có những người, hài cốt đã được về với người thân và có những người mãi nằm sâu dưới rừng xanh nước đỏ. Mong họ sẽ phù hộ cho tất cả chúng ta".
Ông Nguyễn Huy Văn, người từng có thời gian gần gũi với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động nói: "Trong một lần qua tiểu khu I, Bắc Kạn, Đại tướng đã chỉ nơi này và nói, liệt sĩ Phùng Chí Kiên, vị tiền bối cách mạng, đã hy sinh ở đây, nhưng chưa tìm thấy phần thủ cấp để đưa về hợp táng". Mong tìm thấy phần thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã là khát khao của Nhà nước, gia đình liệt sĩ và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc UIA) trao đổi PV, trong một lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà ngoại cảm đã thưa rằng: "Có vong bác Nguyễn Vĩ (tên thật của liệt sĩ Phùng Chí Kiên, bản thân Bích Hằng cũng không biết) nói rằng cho gửi lời hỏi thăm chú Văn (bí danh của Đại tướng)". Đại tướng đã rất xúc động, bày tỏ mong muốn các nhà ngoại cảm hãy giúp sức để gia đình tìm được phần thủ cấp của liệt sỹ Phùng Chí Kiên.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết: "Tôi chỉ biết đến bác Phùng Chí Kiên qua sách vở, tôi cũng không biết bác đã hy sinh như thế nào. Năm 2008, tôi được các đồng chí trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đặt vấn đề với tôi là tìm lại phần mộ của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Tôi được biết, hài cốt của đồng chí Kiên với một phần thi thể không nguyên vẹn nhờ tôi tìm lại. Tôi xúc động trước sự tin tưởng của họ. Trước đó, tôi cũng không có gặp bất kỳ người thân nào của liệt sĩ Kiên. Sau quá trình dùng khả năng ngoại cảm, chúng tôi ngược hành trình lên Bắc Kạn".
 |
Khai quật phần thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên gây nhiều tranh cãi. |
Cuộc tìm kiếm đã diễn ra bằng nhiều cuộc thực địa, bằng những thông tin ngoại cảm đã xác định được nơi chôn cất thủ cấp liệt sĩ. "Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn thấy mùi hoa bưởi thoang thoảng đâu đây. Tôi nghe trong tâm tưởng mình có người nhắc, cứ vòng qua cây bưởi là thấy mộ phần", nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói. Bằng sự xác nhận của con dâu ông Voòng, người trực tiếp đi lấy trộm thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên đem chôn cất, xác nhận địa điểm chôn cất nên những thành viên tiến hành khai quật. Theo ông Khanh, ông Voòng đã kể lại chuyện chôn cất thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên để con cháu được biết, nhỡ mai này gia đình liệt sĩ đi tìm có người hướng dẫn.
"Tất cả những thông tin tôi có được, bằng tấm lòng tôi đã làm nhiệm vụ hết sức mình với tất cả tâm huyết và tài năng với sự cố gắng cao nhất. Sau rất nhiều những cuộc khảo sát tại Bắc Kạn, tôi đã tìm được phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại đây. Sau đó tôi đã báo cho đơn vị chức năng để khai quật tìm hài cốt và sau đó xác định đúng là hài cốt của liệt sĩ Kiên", bà Hằng kể lại.
Khi địa điểm đã được đánh dấu, vì gia đình có người mất nên nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng phải về gấp, không trực tiếp bốc hài cốt liệt sĩ. Những người ở lại đã khai quật theo chỉ dẫn và thông báo tìm thấy phần thủ cấp còn nguyên hình hộp sọ nên nhà ngoại cảm cũng rất mừng. Có thông tin báo phần thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã được khâm liệm chuyển về hợp táng với phần thi thể ở nghĩa trang.
Bà Hằng nói: "Tôi đã chuẩn bị vòng hoa trắng đến thắp nén nhang viếng vong linh anh hùng liệt sỹ (vì tôi biết khi hy sinh bác Phùng Chí Kiên chưa có vợ). Nhưng tôi cứ chờ mãi...". Ông Vũ Thế Khanh cho rằng, nhà ngoại cảm “thật” và “được công nhận” cảm nhận được thông tin liệt sĩ và đi tìm mộ đúng được 60-70% là được ghi nhận rồi. Và trường hợp của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng đã đúng được tỉ lệ như vậy. Như thế, không thể từ 30% sai số mà phủ nhận hết công sức của họ và bảo họ là ngoại cảm giả.