Giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2012 trên cả nước trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) đang ngày càng gia tăng. Đối tượng bị xâm hại tình dục thường là những em gái dưới 5 tuổi…Không ít trường hợp xâm hại tình dục gây chấn động dư luận vì người gây tội ác lại chính là những người thân thiết trong gia đình. Do đó, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân là rất cần thiết cho trẻ. Vậy, những dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục ra sao? Cần trang bị những kỹ năng phòng vệ cho trẻ như thế nào?
Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em.
Đối tượng xâm hại
+ Người quen thân thiết: chú, bác, anh em, hàng xóm….
+ Người không quen biết.
+ Thành phần: nam, nữ mọi lứa tuổi.
Các mức độ xâm hại tình dục
+ Động chạm, sờ mó.
+ Phô trương làm thỏa mãn.
+ Kích thích.
+ Quan hệ.
+ Bị xâm hại tình dục nghiêm trọng…
Dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục
+ Thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt đối tượng.
+ Hay bị giật mình.
+ Thoáng vui, thoáng buồn.
+ Khóc lóc, gặp ác mộng.
+ Trẻ sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người…
+ Nếu bị xâm hại tình dục nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốc, có những vết cào, bầm tím, vùng kín bị sưng, chảy máu…
Tác hại của việc xâm hại tình dục
+ Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khoẻ của trẻ.
+ Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
+ Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc.
+ Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.
Cách xử lý khi con bị xâm hại tình dục
+ Cố gắng gần gũi con, khuyến khích con cởi mở tâm trạng.
+ Tùy vào mức độ của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có thể nói chuyện với con về sự việc đã xảy ra ở mức độ cụ thể nhất định.
+ Không để cho con có cảm giác phải che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.
+ Đưa trẻ đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
+ Sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ.
Lưu ý:
+ Không làm ầm ĩ và quá lên mức độ trầm trọng của việc sẽ khiến cho trẻ xấu hổ và tổn thương hơn.
+ Không giấu diếm mọi chuyện mà phải tìm cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những trẻ em khác.
Dạy con tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục
+ Nhận dạng những hành vi xấu như: ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối…
+ Không nói chuyện với người lạ, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác khi người lạ bắt chuyện.
+ Có thể nói dối để thoát khỏi nguy hiểm.
+ Kiên quyết phản đối, có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.
+ Gọi đến số điện thoại của cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 115, 113…
Dạy con kỹ năng phòng vệ tránh bị xâm hại tình dục
+ Hướng dẫn con nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để đề phòng .
+ Hướng dẫn con những kiến thức về giới tính ngay từ nhỏ.
+ Dạy con biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào.
+ Hướng dẫn cho con biết ai là người có thể chạm vào cơ thể, vào những khu vực nhạy cảm.
+ Nhẹ nhàng và khéo léo cho con biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào cũng như không được chạm vào của các bạn khác hay của người lớn.
+ Dạy các bé trai không được xâm phạm các bạn nữ.
Bố mẹ cần tránh
+ Không để trẻ nhỏ ở nhà, đến nơi công cộng hoặc đi ra chỗ vắng một mình.
+ Không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu.
+ Dạy cho con tính tự lập, mạnh mẽ để tránh kẻ xấu (con nhút nhát, tự ti, ít bạn bè thường dễ bị kẻ xấu tấn công).
+ Dạy con tránh xa những cám dỗ bởi đồ chơi, bánh kẹo…
Ngoài ra cần:
+ Quan tâm thường xuyên và để ý đến những hành vi phi ngôn ngữ của con để nhận biết những dấu hiệu con bị xâm hại tình dục.
+ Lắng nghe tâm sự, những câu chuyện của con, thuyết phục con kể tất cả những gì xảy ra với con trên đường phố giúp con tránh xa những hiểm họa xâm hại tình dục.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH
“Hiện, cả nước có hơn 25 triệu trẻ em, chiếm 29% tổng dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,2 triệu em bị khuyết tật…… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho toàn xã hội.
Các vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức như: hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh… Số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang và bị xâm hại tình dục chiếm 11,6%”.
Lời kết
Xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực thì việc bày bán tràn lan các loại phim ảnh đồ trụy, gợi cảm, kích dục…đã làm băng hoại đạo đức của một số người, đặc biệt là giới trẻ dẫn tới việc gia tăng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay. Vì vậy, các vị phụ huynh nên quan tâm đến các con nhiều hơn và chủ động trang bị cho con kiến thức tự bảo vệ để tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Trong trường hợp con có các biểu hiện bị xâm hại tình dục như: sợ hãi, khóc lóc, hay gặp ác mộng, sống khép mình… thì cha mẹ nên dùng tình cảm, sự yêu thương của mình động viên con nói ra sự thật từ đó giải quyết mọi vấn đề một cách bình tĩnh nhất.
nguồn: suckhoetretho
Dạy trẻ kỹ năng phòng chống "yêu râu xanh": Phải từ tấm bé
Tại Việt Nam, mỗi năm xảy ra hàng ngàn vụ xâm hại tình dục. Trong đó, trẻ em bị hiếp dâm chiếm 65%. Tình trạng này có xu hướng ngày càng gia tăng, cả về tính chất và mức độ nghiêm trọng.Dạy con từ thuở còn thơ
Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại nhất, trước hết, bởi các bé còn rất ngây thơ, trong trắng, dễ bị dụ dỗ; hơn nữa, trẻ em là đối tượng gần như không biết cách và không có khả năng tự vệ. Trong khi đó, đối tượng xâm hại thường là những người quen biết, thậm chí thân thiết nên khả năng xảy ra lạm dụng cao, thời gian kéo dài.
Nhiều phụ huynh mặc dù ý thức rõ tác hại của việc bị xâm hại, là “đánh cắp sự hồn nhiên của tuổi thơ, khiến trẻ có thể luôn mặc cảm ngay cả khi đã trưởng thành”, nhưng lại tỏ ra lúng túng trong việc giáo dục trẻ. Một số người phải bám theo con như hình với bóng, mỗi khi con sang chơi nhà hàng xóm. Một số người lại “nghi ngờ tất cả”, gây tổn hại đến tình hàng xóm láng giềng, thậm chí cả bà con thân tộc... Theo một số chuyên gia về gia đình, mọi thái độ và hành động mang tính cực đoan đều khó mang lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, vấn đề quan trọng và có thể mang lại hiệu quả nhất là phải giáo dục cho trẻ về các vấn đề giới tính cũng như nguy cơ bị xâm hại từ lúc còn nhỏ, có thể ngay sau khi trẻ bắt đầu biết nhận thức về cuộc sống, xã hội.
“Xâm hại tình dục trẻ em là chủ đề khó nói nhưng nếu bạn càng hiểu biết nhiều về nó thì càng có khả năng bảo vệ con em mình tốt hơn”, bà Phạm Quế Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng, cho biết: “Trong gia đình, bố mẹ cần học để biết cách giáo dục giới tính cho con, sao cho gần gũi, dễ hiểu nhất. Trẻ cần được biết thông tin này một cách chính xác từ những người chúng tin cậy, chứ không phải tự mày mò và tiếp nhận điều lệch lạc. Cần biết rằng, không chỉ các bé gái mới bị tấn công tình dục mà ngay cả bé trai cũng có thể trở thành nạn nhân. Do đó, dẫu là có con trai hay con gái, phụ huynh cũng đều nên biết con đang ở đâu, chơi với ai và đang làm gì. Hãy luôn quan tâm, dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe con. Đừng lảng tránh các câu hỏi liên quan đến bộ phận sinh dục hay tình dục. Hãy tìm từ ngữ thích hợp với lứa tuổi để giải thích cho con hiểu tường tận vấn đề, giải đáp thấu đáo mọi thắc mắc liên quan đến lĩnh vực này.”
Dạy trẻ như thế nào?
Dạy trẻ tránh tiếp xúc với người lạ, tỏ thái độ kiên quyết nếu gặp hành động xâm hại, rời khỏi ngay lập tức môi trường, địa điểm không an toàn... Đó là những điều cần thiết đầu tiên mà phụ huynh cần làm. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, hành vi xâm hại tình dục trẻ em không hẳn là hành động bột phát tức thời mà thường là kết quả của một quá trình có sự chuẩn bị. Vì thế, phụ huynh cần hiểu rõ quá trình đó, để biết cách bảo vệ con và dạy con cách bảo vệ mình. “Hãy gọi đúng tên các bộ phận cơ thể con, giải thích để con hiểu, đừng cố nói tránh hay lơ đi” là một cách tiếp cận vấn đề khéo léo mà nhiều chuyên gia gợi ý cho các phụ huynh.
Xâm hại tình dục có thể phòng tránh được khi trẻ nhận biết được những đụng chạm được phép và không được phép, đâu là bộ phận riêng tư trên cơ thể của trẻ và ai được nhìn, đụng chạm vào đó. Một điều quan trọng là cha mẹ cần tôn trọng cảm xúc của trẻ, ủng hộ việc trẻ sử dụng cảm giác và những biểu hiện của cơ thể để nhận biết tình huống là an toàn hay không. Cần thiết dạy trẻ quy tắc an toàn cá nhân: “Nói không – Bỏ đi – Kể lại”. Cần khuyến khích con kể với cha mẹ về các hành vi bất thường trẻ nhìn thấy hay trải qua, hay bất kỳ rắc rối nào chúng gặp.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu chỉ ra rằng, 90% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen với trẻ. Do đó, cần quán triệt quan điểm “không tin tuyệt đối bất kỳ một ai”. Phải rất thận trọng mỗi khi gửi con, kể cả gửi cho người quen; không nên để con đi một mình ở chỗ xa lạ, vắng người. Ngoài ra, ngay từ khi con 3 tuổi, mẹ đã có thể dạy trẻ không cho người khác ngoài mẹ cởi áo, quần, sờ vào những điểm nhạy cảm của cơ thể.
Hàng ngày các mẹ không chỉ cần kiểm tra một cách cẩn thận cơ thể con gái mình khi đi tắm mà còn nên trò chuyện với con về những chuyện xảy ra trong ngày. Hãy trở thành người bạn thân nhất, tốt nhất mà con có thể sẻ chia, tâm sự. Đồng thời qua đó, bạn cũng có thể khéo léo đưa những kiến thức giáo dục giới tính để dần dần chia sẻ với con một cách khéo léo.
Giới tính là một vấn đề tế nhị, cần có quá trình “mưa dầm thấm lâu”, phụ huynh cần có kế hoạch “mỗi ngày một chuyện” để làm dày thêm kiến thức, kỹ năng của trẻ, giúp trẻ phòng tránh những kẻ xâm hại. Ở đây, phụ huynh cũng nên cân nhắc trong cách nói chuyện, để trẻ không bị ám ảnh, lo âu về những vấn đề này. Cha mẹ hãy là người thầy đầu tiên và đáng tin cậy nhất của con mình về giới tính.
Làm gì nếu trẻ chẳng may bị xâm hại?
Đầu tiên, báo ngay cơ quan công an gần nhất, đồng thời đưa bé đến bệnh viện thực hiện những xét nghiệm cần thiết để tố cáo thủ phạm. Trấn an và vỗ về để trẻ không lo sợ, chữa trị những vết thương về thể chất và giúp trẻ hồi phục tinh thần. Tuyệt đối tránh nhắc lại chuyện cũ. Nếu cần thiết, có thể chuyển nhà đi nơi khác để tránh gợi cho trẻ những ký ức không hay. Luôn gần gũi, quan tâm, động viên và hướng trẻ đến với những hoạt động vui chơi lành mạnh. Sắp xếp để trẻ lúc nào cũng có người thân bên cạnh chăm sóc. Nếu trẻ có biểu hiện bất ổn kéo dài, hãy đưa trẻ đến gặp chuyên viên tư vấn.
nguồn: Phụ nữ Việt Nam
Dạy trẻ em kỹ năng tránh bị hiếp dâm
Liên tiếp các vụ hiếp dâm trẻ em ngập tràn các phương tiện thông tin đại chúng khiến chính các chuyên gia tâm lý và sức khỏe cũng không thể tìm được nguyên nhân nào biện hộ. Trẻ con thực sự cần được trang bị những kỹ năng sống để tự bảo vệ mình tránh xa "yêu râu xanh".12 tuổi đã gặp chuyên gia tư vấn… sex
Thường xuyên tiếp xúc với những vấn đề trẻ em, TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng xã hội chúng ta đang có vấn đề. Bà lý giải, trong xã hội hiện tại, tự do cá nhân con người được đề cao, do đó bản năng trỗi dậy nhiều hơn cộng thêm vấn đề giáo dục lối sống kém dẫn đến xảy ra ngày càng nhiều các vụ án hiếp dâm. Thực tế có nhiều hành vi trước kia bị quy về các giá trị đạo đức khá nặng nề thì nay được mọi người xem nhẹ.
Đơn cử như trước đây, nếu không chồng mà chửa có thể phải cạo đầu bôi vôi rồi cho trôi sông, nhưng nay mọi người đã nghĩ thoáng hơn. Quan niệm coi quan hệ tình dục như cơm ăn, nước uống hàng ngày được nhiều bạn trẻ ủng hộ.
Tại sao ngày càng có nhiều vụ hiếp dâm trẻ em, trong đó có nhiều trường hợp có sự chủ động từ hai phía? TS Kim Quý cho rằng, vì độ tuổi dậy thì ở trẻ em đang ngày bị rút ngắn. Nếu trước kia độ tuổi dậy thì phổ biến từ 14-15 tuổi đối với bé gái và 15-16 tuổi đối với bé trai thì nay rút ngắn chỉ còn 11-12 tuổi. Dậy thì sớm do nhiều yếu tố như ăn uống đầy đủ, ảnh hưởng môi trường xã hội… Dậy thì đồng nghĩa với việc có nhu cầu thích người khác giới và quan tâm đến người khác giới, nói cách khác là thích yêu.
Trong khi nhu cầu quan hệ tình dục đã có thì các em lại chưa có sự phát triển tâm lý xã hội đẩy đủ, kinh nghiệm sống, vốn sống chưa có dẫn đến sự vênh nhau giữa phát triển thể chất và tâm lý xã hội. Thêm vào đó, ở độ tuổi dậy thì, các em sẽ tò mò muốn khám phá mọi thứ. Dưới tác động của việc tiếp nhận thông tin từ sách, báo, truyện bậy bạ… sẽ càng khiến các em bị kích động và khơi dậy bản năng nhiều hơn. Do đó, nếu cha mẹ thiếu kiểm soát, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, không chỉ được con cách tự bảo vệ bản thân, nhà trường không đả động gì đến kiến thức giới tính… sẽ vô tình khiến các em đi sai đường, quan hệ tình dục sớm.
Trong quá trình làm tư vấn, TS. Kim Quý cho biết, có rất nhiều em gọi điện đến Trung tâm để hỏi về những vấn đề rất ngây ngô, trong đó độ tuổi từ 12-13 chiếm chủ yếu. Nhiều em gái 12 tuổi đặt câu hỏi: “Quan hệ với bạn trai cùng lớp thì có thai không?”, “Cháu đã trót quan hệ thì giờ phải làm thế nào?”… Điều đáng nói không chỉ có trẻ em thành thị mà nhiều em nhỏ ở nông thôn cũng đã gọi đến để hỏi về những vấn đề tương tự.
Theo TS Kim Quý, thực tế hiện nay cho thấy chương trình dạy học trong độ tuổi từ 10 -13 hầu như chưa đả động gì đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, có chăng chỉ là những bài học “cưỡi ngựa xem hoa” như phân biệt các bộ phận trên cơ thể…, trong khi nhiều em đã dậy thì từ trước đó. Nói cách khác, chương trình bị lạc hậu so với thực tế.
Không “gửi trứng cho ác”
Để phòng tránh, hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo, bên cạnh việc luật hóa về giáo dục giới tính trong nhà trường, cha mẹ nên nói chuyện với con từ sớm về quan hệ tình dục ngay ở tuổi mẫu giáo chứ không phải đợi các bé lớn rồi… tự biết. Người mẹ phải gần gũi, chỉ cho các bé về những nơi nhạy cảm mà người khác giới không được chạm tới.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội nhận định: “Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều ông bố, bà mẹ chủ quan, ít lường đến tình huống này. Còn ở phương Tây, người ta lại rất lưu ý bảo vệ trẻ em. Nếu thấy người lạ có biểu hiện thân thiết với con mình là họ rất lưu tâm, nhất là người quen sơ sơ, đến gia đình mà có cử chỉ thân thiết với trẻ là họ cảnh giác. Còn người Việt Nam thì ngược lại, rất mất cảnh giác, thậm chí còn gửi con mình cho nhà hàng xóm, gửi người nọ, người kia mà mình không chắc chắn tư cách họ như thế nào.
Đã đến lúc các bậc phụ huynh phải dạy cho con mình những kỹ năng phòng vệ như không gần gũi, nói chuyện với người lạ, không để cho người khác động chạm vào cơ thể mình, đặc biệt vào chỗ nhạy cảm. Thấy người như thế phải tránh. Phải dạy cho con biết phản ứng bằng cách nói nhẹ nhàng như “Cháu không thích” rồi cầm tay bỏ ra”.
nguồn: baophapluat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét