Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Bố trí Hòn non bộ sao cho hợp phong thủy?

Hòn non bộ (còn gọi là giả sơn) được sử dụng nhiều trong phong thủy với tác dụng biểu trưng cho núi, đồi tự nhiên.
Hòn non bộ ngoài yếu tố trang trí có ý nghĩa về phong thủy rất cao (ảnh minh họa)
Hòn non bộ có ý nghĩa quan trọng trong cách bài trí sân vườn và kiến trúc Việt Nam. Nhiều gia đình đặt hòn non bộ ở sân trước để làm cảnh đón khách. Các sân chùa, sân đền cũng dùng hòn non bộ như tấm bình phong để yểm tà và tạo cho cảnh quan cảm giác an bình, thoát tục.

“Sơn quản nhân đinh, thủy quản tài” là 1 trong những quan điểm mấu chốt của phong thủy học. 2 yếu tố này đều nằm trong tiểu cảnh và non bộ. Vì vậy, các nhà phong thủy thường dùng chúng để tăng cường nơi có trường khí tốt hay trấn sát tại nơi khí trường hung hiểm.
Hòn non bộ ngoài yếu tố trang trí có ý nghĩa về phong thủy rất cao, nó còn giúp khắc phục những điểm phong thủy không tốt hoặc tăng thêm sự hài hòa trong tổng thể của ngôi nhà.
Theo phong thủy,  thì không nên thiết kế hồ nước và hòn non bộ ở trong nhà, dù bố trí ở bất kỳ vị trí nào. Vì theo quan niệm  sông hồ, núi non phải giao hòa với trời đất thì mới hợp lẽ tự nhiên. Cho nên chỉ có thể đặt chúng ở ngoài vườn hoặc ngoài sân. Hợp lý nhất là đặt ở gốc sân đúng theo các hướng chính Bắc, chính Đông, Đông Nam.

Một hồ nước tù đọng trong nhà, lại đắp những khối lô nhô như dãy núi, giữa hồ có vài hòn non bộ đứng lặng lẽ... Đó là một khung cảnh u buồn. Trừ một trường hợp cần làm hài hòa các yếu tố theo quan niệm phong thủy khi đã lỡ sử dụng cầu thang xoắn.

Đối với những gia đình dùng cầu thang xoắn để khắc phục việc diện tích không gian trong nhà chật chội hay đã lỡ thiết kế kiểu đó thì phải dùng hồ nước để làm trung hòa. Cầu thang xoắn là rất không tốt. Hồ nước dưới chân nó làm giảm bớt khí xấu. Bên dưới các bậc thang cần đặt một vài tấm gương, mặt xuống phía hồ nước.

Hồ nước nên có những đường tròn chứ đừng làm góc cạnh. Nước trong hồ phải lưu thông. Không nên để một cái hồ tù đọng. Chúng ta nên sử dụng các thiết bị hút nước tạo dòng chảy hoặc phun lên cao.Lưu ý, nếu bạn muốn thiết kế một cái hồ có hình móng ngựa thì phải để cho phía lõm quay vào nhà. Không nên để phía lõm quay theo hướng ngược lại (hướng ra ngoài). Còn các loại hình khác thì hướng quay tùy ý, nhưng nhớ kỹ đừng bao giờ làm có góc cạnh.

Hòn non bộ không nên làm một hòn lẻ loi, không nên làm hòn chẳn như 2, 4, 6…Chỉ nên làm 3 hòn, 5 hòn, 7 hòn… Đó là về mặt số lượng. Ngoài ra nên nhớ không nên làm các hòn bằng nhau. Phải thiết kế có sự phân cấp lớn nhỏ. Điều này tương ứng như sự phân cấp trong gia đình bạn, mỗi người mỗi vai trò lớn nhỏ khác nhau.

Hướng bố trí hòn non bộ theo phong thủy:
  • Hướng Tây: Thiết kế hòn non bộ ở hướng này là cát. Nếu có thể phối hợp với các loại cây cối, cỏ hoa để tránh nắng thì sẽ càng tốt hơn. 
  • Hướng Tây Bắc: Thiết kế hòn non bộ ở hướng này là đại cát nhưng cần phải phối hợp trồng thêm các loại cây cối thì gia vận mới hưng thịnh được. 
  • Hướng Bắc: Có thể thiết kế hòn non bộ ở hướng này. Địa hình có thể cao một chút. Nếu trồng các loại cây phù hợp thì bố cục non bộ sẽ càng trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên, tránh sự hiện diện của quá nhiều cây cối. 
  • Hướng Đông Bắc: Có thể thiết kế hòn non bộ ở hướng này. Hướng này hòn non bộ làm cao 1 chút thì tốt hơn vì nó mang ý nghĩa ổn định về tài sản; sự đoàn kết 1 nhà và có người kế nghiệp tốt. 
  • Hướng Nam: Hòn non bộ thiết kế ở hướng này không tốt vì nó mang ý nghĩa là tài trí và năng lực bị chôn vùi, không thể phát huy được. 
  • Hướng Tây Nam: Đây là hướng bất lợi, không phù hợp cho việc thiết kế hòn non bộ.
Theo KTS. Phạm Cương - chuyên gia phong thủy Công ty Cổ phần Nhà Xuân, việc xây dựng hòn non bộ không chỉ để làm đẹp mà còn có những tác dụng đáng kể về mặt Phong thủy. Vị trí đặt hòn non bộ nên áp dụng các nguyên tắc sau:
  • Với nhà có nhiều tầng, hòn non bộ không nên đặt ở vị trí tầng trên cùng của căn nhà, dù bố trí ở bất kỳ vị trí nào.
  • Trong trường hợp nhà nhỏ, sân trước rộng có thể đặt hòn non bộ loại nhỏ, vừa phía truớc cửa nhà tạo thành tiền án hay còn gọi là chu tuớc theo thuật phong thủy.
  • Riêng đối với nhà lớn, hòn non bộ lớn có thể đặt phía sau nhà để tạo thành một thế nhà vững chắc hay làm vững thêm huyền vũ như cách nói của thuật phong thủy.
Phong cách thiết kế non bộ được phân tích theo một số hình thức sau:

Hạn mộc cảnh:
Loại hình xây dựng trên khô, được thực hiện với những pho đá san hô, hay đá vôi, và sử dụng các gốc cây khô, cây xương rồng cằn cỗi như cảnh hoang sơ ở vùng sa mạc. Đây cũng là quan niệm non bộ của Nhật Bản hay dùng hình thức này để nhấn mạnh thêm cái phần chân đế tĩnh lặng theo thuyết lý Lão Trang.

Thụ mộc cảnh:
Sử dụng cây kiểng là chính, thể hiện cây cổ thụ ở giữa đồng nội, có chú mục đồng, có con trâu gặm cỏ. Hoặc cây cổ thụ có rễ um tùm ở giữa thảo nguyên. Hoặc cây thiên tuế thâm niên, cây lão mai, cây sứ đại… ở giữa đồi cỏ mấp mô, để nơi này sẽ trở thành hoa viên cây cảnh trong sân vườn.

Sa thạch cảnh:
Loại hình này thường được thực hiện trên nền cát nhuyễn hoặc những khỏang sân vườn có trải sỏi trắng và sử dụng những pho đá có nhiều hình thù đẹp mắt nói lên những ý nghĩa mà chủ nhân muốn nói để hóa những phiến đá vô hồn này thành những linh hồn.

Thủy mộc cảnh:
Thiết kế non bộ theo hình thức này – nhà phong thủy muốn bảo tồn cho thế đất của địa cuộc – không san bằng chỗ cao, không bồi lấp chỗ trũng – mà giữ nguyên thế dáng của đất theo phương truyền « thượng nhất thồn như vi sơn – hạ nhất thốn như vi thủy ». Nghĩa là chỗ cao hơn 1 tấc là núi, chỗ thấp hơn 1 tấc là nước. Thế đất này mấp mô cao cao thấp thấp trồng cỏ non Nhật Bản, phối trí các cây cổ thụ bon sai với những dòng suối nhỏ róc rách quanh co.

Thủy thạch cảnh:
Chế tác non bộ theo hình thức này, sử dụng đá và nước là chính, cây là phụ - cách sắp xếp các khối đá tạo nên cảnh hoang sơ hùng vĩ và tạo dòng nước như thác đổ, có nơi phối trí từng giọt rơi rơi như sương sớm, cùng những cây si, cây bon sai nho nhỏ, vị tiều phu gánh củi qua cầu, ngư ông ngồi câu cá, có mái chùa cong cong…
    Minh Anh (tổng hợp)

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét