Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Lý Nguyễn Chung bị người dân quá khích tát vào mặt

Toà bất ngờ hoãn, Lý Nguyễn Chung bị người dân tát vào mặt

Sáng 29-9, do đại diện của bị hại vắng mặt, TAND tỉnh Bắc Giang đã hoãn phiên xét xử sơ thẩm với Lý Nguyễn Chung, hung thủ thực sự trong vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang. Bị cáo bị người dân bức xúc tát vào mặt khi ra xe về trại giam.
Lý Nguyễn Chung bị dẫn vào toà
Sáng nay 29-9, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên xử diễn ra công khai tại trụ sở TAND tỉnh tại TP Bắc Giang với thành phần Hội đồng xét xử gồm 7 người. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngọc Thị Vui (TAND tỉnh Bắc Giang).

Luật sư Hoàng Minh Hiển (Đoàn Luật sư Hà Nội) là người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo Lý Nguyễn Chung.

Đúng 7 giờ 30, Lý Nguyễn Chung được dẫn giải đến toà và nhanh chóng đưa vào phòng xét xử. Chung đưa mắt nhìn xung quanh rồi ngồi vào hàng ghế của mình. Luật sư nhanh chóng đến ngồi động viên, trao đổi để bị cáo bình tĩnh hơn. Vẫn có ánh nhìn sắc lạnh, khuôn mặt Chung góc cạnh, trắng trẻo.

Chung tránh các ống kính chĩa trực diện vào mình, mặt lúc nào cũng cúi gằm, thỉnh thoảng liếc nhìn mọi người.
Lý Nguyễn Chung tại toà
Bên kia hàng ghế, ông Lý Văn Chúc (bố của Chung) và bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của Chung) cùng người nhà cũng yên vị. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Chúc cho biết, sau khi bị tạm giam 7 ngày thì ông được thả về. "Từ khi Chung bị bắt, hai bố con mới gặp nhau một lần. Tôi cũng động viên cháu thôi thì phải hợp tác với cơ quan điều tra để nhanh chóng xét xử. Cháu cũng đã khai nhận đầy đủ mọi thông tin"- ông Chúc cho biết.

Tuy nhiên, khi hỏi về việc chính vì Chung bỏ trốn nên ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan 10 năm, gia đình ông có lời gì với nhà ông Chấn không, thì ông Chúc lại cho rằng: "Ông Chấn bị oan là do các điều tra viên làm. Nhà tôi không gặp gỡ hay xin lỗi vì không liên quan".
Ông Lý Văn Chúc, bố của Lý Nguyễn Chung, tại phiên tòa
Đáng chú ý, về phía bị hại, bà Hoàng Thị Hội (mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan) vắng mặt, có giấy xin hoãn toà.

Ngoài lý do bà Hoàng Thị Hội - mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan - vắng mặt, làm đơn xin hoãn toà, luật sư Giáp Văn Điệp, luật sư đại diện cho bên bị hại cho rằng trước khi bị sát hại, chị Nguyễn Thị Hoan đã có một con trai là Nguyễn Xuân Tiến (SN 1990).

Tiến đang sống với người chồng đã ly hôn của chị Hoan. Tuy nhiên, chị Hoan khi bị giết vẫn đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Do đó, cần xem xét cấp dưỡng nuôi con vì khi mẹ bị sát hại Tiến mới 13 tuổi. Nếu xác định đây là một tình tiết mới cần xem xét tại phiên toà thì đề nghị HĐXX xem xét hoãn toà.

Luật sư của bị hại cũng nộp đơn đề nghị bồi thường của Tiến, yêu cầu Lý Nguyễn Chung phải bồi thường về vật chất lẫn tinh thần.

Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy đại diện hợp pháp của người bị hại nộp đơn vì có lý do không thể tham gia phiên toà được. Phiên toà xét xử vào thời gian khác, sẽ thông báo sau.
Khi Lý Nguyễn Chung bị dẫn giải ra xe để về trại giam, hàng chục người dân bức xúc đã tập trung ngay phía sân toà liên tục hô hào: “Thằng này phải… để xã hội trong sạch”, “Phải trừng trị nó thật nặng”... Thậm chí, khi Lý Nguyễn Chung gần ra đến xe về trại giam, có một người dân quá khích đã bất ngờ tát bị cáo.
Sau cái tát bất ngờ, Chung ôm tay che mặt rồi lao vội vào xe thùng. Chiếc xe nhanh chóng rời khỏi khu vực xử án trong tiếng chửi rủa không ngớt của người dân.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Lý Nguyễn Chung bị truy tố 2 tội danh: "Giết người" và "Cướp tài sản". Ở tội danh "Giết người", Lý Nguyễn Chung sẽ bị xét xử theo Điểm g, Khoản 1, điều 93 Bộ luật Hình sự về hành vi “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.

Theo cáo trạng, Chung sống cùng bố là Lý Văn Chúc và mẹ kế là bà Nguyễn Thị Lành ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Tối 15-8-2003, Chung đến quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hoan cùng thôn để mua dầu gội đầu. Khi đi, Chung mang theo con dao bấm. Chung thấy cửa quán mở, đèn điện bật sáng, chị Hoan đang ngồi gần giường ngủ phía trong nhà nên gọi với vào trong để mua hàng.

Lúc này, Chung thấy trong tủ kính bán hàng tạp hóa có một chiếc hộp đựng tiền nên nảy sinh ý định giết chị Hoan. Khi đứng đối diện cách chị Hoan gần một mét, Chung đã đâm thẳng một nhát vào bụng chị này rồi rút dao ra.

Khi nạn nhân bỏ chạy vào trong nhà, Chung đuổi theo khống chế đâm nhiều nhát vùng ngực, mặt. Khi lưỡi dao gãy, sát thủ đã ghì và đập đầu nạn nhân xuống nền nhà, dùng chai bia đập vào đầu... Thấy nạn nhân vẫn còn thở, Chung lấy chiếc gối đè lên mặt.

Giết chị Hoan xong, Chung lấy hai chiếc nhẫn vàng ở ngón tay nạn nhân, nhặt con dao dùng gây án, mở tủ bán hàng lấy tiền rồi tắt điện đi ra ngoài. Chung vứt chuôi dao xuống mương nước cách hiện trường khoảng 60 m, giấu tiền và hai chiếc nhẫn ở gần nhà rồi đi về nhà. Chung cũng bị thương do đâm chị Hoan bị trượt vào người.

Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, người thân phát hiện chị Hoan đã chết, nằm trên sàn nhà.

Sau đó Chung về Lạng Sơn, rồi Tây Nguyên để trốn. Tại đây, Chung đã cưới vợ, sinh con.

Đến ngày 25-10-2013, Chung đã đến cơ quan điều tra VKSND Tối cao để đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Hoan.

Đến 29-10-2013, VKSND Tối cao cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án “giết người” và “cướp tài sản” và khởi tố bị can Lý Nguyễn Chung về các tội danh trên. Ngoài ra, ông Lý Văn Chúc (bố của Lý Nguyễn Chung) cũng bị bắt khẩn cấp về hành vi đe dọa giết bà Nguyễn Thị Lành (vợ ông Chúc, và là nhân chứng vụ án).

Trao đổi với báo chí, luật sư Hoàng Minh Hiển cho biết: Khi phạm tội, Chung chưa đầy 16 tuổi, bản thân Chung đã ra đầu thú và thành khẩn khai báo. Do đó, theo quy định của pháp luật, bị can Lý Nguyễn Chung sẽ phải đối mặt với mức án không quá 12 năm theo quy định của Bộ luật hình sự.

Luật sư Hoàng Minh Hiển cho biết thêm Chung rất thành khẩn, ăn năn, hối lỗi về tội ác của mình cũng như hành động bỏ trốn khiến ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan hơn 10 năm.

Trong suốt thời gian dài chạy trốn tội ác, Chung luôn thấy mặc cảm về tội lỗi mà mình đã gây ra. Chung đã có ý định ra đầu thú nhưng do người anh họ khuyên ngăn nên Chung vẫn dùng dằng bỏ trốn cho đến khi cưới vợ sau này.

Lý Nguyễn Chung cũng muốn nhờ luật sư chuyển lời xin lỗi của Chung đến với gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn, đặc biệt là ông Chấn đã phải chịu đựng những đau khổ do tội ác Chung đã gây ra.
Nguyễn Quyết (nguồn www.nld.com.vn)

Xem thêm bài:

Phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung sẽ được mở lại lúc nào?

Như Dân Việt đã thông tin, sáng nay (29.9), phiên tòa xét xử sơ thẩm Lý Nguyễn Chung về tội "Giết người" và "Cướp tài sản", ngay tại phần thủ tục phiên tòa, Hội đồng xét xử đã phải hội ý và ra quyết định hoãn phiên tòa vì lý do bà Hoàng Thị Hội (đại diện cho bị hại) vắng mặt và có đơn xin hoãn tòa.

Theo Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự: Trong trường hợp phải hoãn phiên tòa vì lý do bị hại, đại diện bị hại vắng mặt thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Chiểu theo quy định trên thì phiên tòa sơ thẩm xét xử Lý Nguyễn Chung sẽ được mở lại trong tháng 10 tới.

Vụ án của Lý Nguyễn Chung sở dĩ được dư luận quan tâm đặc biệt là vì nó "dính" đến việc án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Là hung thủ thật nhưng Chung được sống ngoài vòng pháp luật 10 năm, còn ông Chấn không phạm tội, không hề biết gì về vụ án này lại bị ép thành hung thủ và phải ngồi tù oan 10 năm. Để mở phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Giang phải lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng. Để mở lại phiên tòa sơ thẩm lần hai, cơ quan bảo vệ pháp luật lại phải có kế hoạch mới.
Nguồn: Dân Việt

Xem thêm bài:

Tòa xử Lý Nguyễn Chung, ông Nguyễn Thanh Chấn không đến

Do không được mời và thấy không cần thiết phải đến, ông Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình sẽ không đến phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung về tội giết người, cướp tài sản vào sáng nay, 29-9.
  Ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ không đến phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung
Sáng nay 29-9, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với Lý Nguyễn Chung (SN 1988, quê Lạng Sơn; trú tại thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.

Vụ án gây chấn động sau 10 năm vì ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã bị bắt và bị quy kết tội giết chị Nguyễn Thị Hoan (31 tuổi, người cùng thôn Me), phải nhận án chung thân qua 2 cấp xét xử. Ngày 25-1-2014, ông Chấn mới chính thức được minh oan sau khi Lý Nguyễn Chung, nghi phạm giết chị Hoan, ra đầu thú.

Theo cáo trạng, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 15-8-2003, Chung thấy cửa quán của chị Nguyễn Thị Hoan mở, đèn sáng nên ghé mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính có hộp đựng tiền, Chung nảy sinh ý định giết chị Hoan để lấy tiền.

Khi chị Hoan đi lấy dầu gội đầu, Chung liền dùng dao bấm đâm vào bụng chị. Bị đâm, chị Hoan bỏ chạy. Chung liền lao đến kẹp cổ rồi đâm liên tiếp vào ngực, mặt nạn nhân.

Trong khi vật lộn, do lưỡi dao bị gãy nên Chung lao đến vật ngửa chị Hoan và đập đầu xuống nền nhà; tiếp đó, lấy chiếc gối đè lên mặt chị Hoan cho đến khi chị bất động.

Sau khi giết chị Hoan, Chung đã tháo 2 chiếc nhẫn rồi tắt điện, đóng cửa ra về. Vài ngày sau, Lý Nguyễn Chung bỏ trốn. Sau này, Chung lấy vợ sinh con tại tỉnh Đắk Lắk cho đến ngày 25-10-2013 mới ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 28-9, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn, cho biết: “Tôi đang ốm đau phải ở nhà nghỉ. Còn ông Chấn thì làm gì có ai đưa đi mà đi. Hơn nữa, họ không mời thì không việc gì mình phải đến đấy cả. Họ làm sai thì có pháp luật trừng trị chứ mình cũng có làm được gì đâu”.

Ông Chấn cũng đi chơi loanh quanh trong xóm, điện thoại không liên lạc được do hay bị hết pin và ông cũng không có thói quen sử dụng điện thoại di động hàng ngày

Trong phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung, việc triệu tập ông Nguyễn Thanh Chấn hay không sẽ do Thẩm phán và Chủ tọa phiên tòa quyết định. Nếu thấy ông Chấn là nhân chứng cần thiết phục vụ cho việc xét xử thì sẽ tiến hành triệu tập sau.
Nguyễn Quyết (nguồn www.nld.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét