Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Chiêu 'thôi miên bằng chữ viết' lừa lấy tài sản

'Thôi miên bằng chữ viết', lừa lấy nhẫn vàng, laptop

Giữa ngã tư đường, khi cầm tờ giấy của kẻ lạ mặt, nạn nhân lập tức đưa nhẫn, tiền, laptop cho đối tượng.

Chiều 10/9, Công an phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị P.T.T (24 tuổi, trú tại Yên Khánh, Ninh Bình) về việc chị bị nam thanh niên lạ mặt lừa lấy mất máy tính xách tay giữa ngã tư đường tối 9/9.

Theo đó, đối tượng đưa cho chị T. một tờ giấy, nhờ chỉ đường. Vừa cầm tờ giấy trên tay, chị T. không nhận thức được gì, đưa ngay laptop cho đối tượng.  

Đưa giấy nhờ chỉ đường, lừa lấy laptop
“Đến bây giờ, tôi vẫn không tin mình bị lừa vô lí như vậy. Cầm tờ giấy, khoá xe anh ta đưa, đầu óc tôi choáng váng, tự động đưa máy tính của mình. Tỉnh ra, anh ta đã mất hút. Sự việc diễn ra quá nhanh, chỉ chưa đầy 5 phút”, chị T. nói.

Theo tường trình của chị T., vào khoảng 21h30 tối 9/9, khi dừng đèn đỏ ở ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Hoàng Quốc Việt, một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, dáng người cao to, đi xe Nouvo LX hỏi đường Trần Tử Bình. Chị chỉ đường và tiếp tục di chuyển theo hướng Hoàng Quốc Việt - Bưởi.

Nam thanh niên tiếp tục nhờ chị T. dừng lại đọc giúp giấy ghi địa chỉ. Đến trước số nhà 21 Trần Tử Bình, khi chị T. vừa đọc tờ giấy, lập tức không còn nhận thức. Đối tượng bảo chị đưa laptop cho mình còn anh ta đưa khóa xe làm tin. Chị T. làm theo, không hề kháng cự. Khi kẻ lạ mặt đi xa, chị T. mới tỉnh. Nhìn lại tờ giấy, chị thấy chỉ là tờ giấy trắng với những đường chấm đỏ.

Chị T. cho rằng mình bị “thôi miên bằng tờ giấy” hoặc bị “đánh thuốc mê”. Bởi thường ngày tính chị khá cẩn trọng, không thể tin một người xa lạ trong thời gian ngắn như vậy.

Một chiến sĩ phòng hình sự CA phường Nghĩa Tân tiếp nhận đơn trình báo của chị T. cho biết đây là lần đầu tiên tiếp nhận vụ việc như vậy trên địa bàn. Người bị hại không nhớ rõ biển số xe, lai lịch của đối tượng nên rất khó khăn cho công tác điều tra. Có thể, đối tượng đã lợi dụng lòng tốt, nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân để lừa đảo. Việc “thôi miên bằng tờ giấy”, hiện vẫn chưa biết thực hư thế nào.
Tờ giấy, khoá xe mà đối tượng đưa cho chị T. “làm tin”.

Cầm giấy, tháo cả nhẫn vàng
Ngày 16/7/2014, bà Dương Đức Phượng (64 tuổi, trú tại ngõ 111, đường Nguyễn Phong Sắc, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, HN) bị lừa đảo với hình thức gần giống chị T..

Bà Phượng thường ngày bán nước ở gần cổng ký túc xá HV Báo chí & Tuyên Truyền. Bà bị "thôi miên", lừa lấy mất hơn 20 triệu đồng gồm tiền mặt, nhẫn vàng nhưng không đến cơ quan công an trình báo. Hơn một tháng sau, bà Phượng mới dám kể lại sự việc cho các con.

“Con tôi không tin tôi bị lừa đơn giản như thế, cho rằng tôi đã già trí óc không minh mẫn”,
bà Phượng nói.

Bà kể lại, hôm đó khi bà vừa dọn hàng, một nam thanh niên đến uống nước ngọt nhạt nói: "U ơi! Con là giám đốc công ty phân phối thép ở đường Láng, con cần gấp 20 triệu để trả tiền cho khách, nay mai con gửi U ngay".

Lúc này, đầu óc bà Phượng như bị mụ mẫm. Bà lấy hết 15 triệu đồng định gửi tiết kiệm, tháo luôn nhẫn vàng 2 chỉ đưa cho nam thanh niên lạ mặt.

"Anh ta đi rồi tôi mới biết mình bị lừa, đi xe ôm đến địa chỉ trên giấy thì đó là địa chỉ giả”,
bà Phượng nói.

Theo bà Phượng miêu tả, đối tượng lừa đảo bà là nam thanh niên khoảng hơn 30 tuổi có dáng người cao to, nước da ngăm đen, đi xe tay ga. 
Trịnh Khả (nguồn: khampha.vn)

Xem thêm bài:

Sự thật vụ thôi miên 'nạn nhân dắt về nhà lấy tiền'

Gặp một phụ nữ lạ mặt giữa đường, bà T. đã dẫn về nhà lấy 10 triệu đồng trả nợ. Vì sao lại thế?

Chúng tôi đã tìm gặp nạn nhân của vụ thôi miên xảy ra tại xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Trước đó (14/12), một nhóm người bị bắt giữ vì đã "làm trò" khiến một phụ nữ tự nguyện dắt về nhà lấy tiền.

Nạn nhân là bà Nguyễn Thị T. (53 tuổi, quê Thái Nguyên), xuống Hà Nội ở chơi với vợ chồng con gái.

Bà T. kể lại với mọi người rằng, sáng hôm đó bà đi chợ mua thức ăn cách nhà khoảng 500m. Trên đường về, bà gặp một phụ nữ chặn trước mặt hỏi đường. Bỗng người phụ nữ nhìn vào mắt bà và nói: "Mí mắt chị sụp xuống thế này chứng tỏ hay bị mất ngủ."

Rồi bà ta nói về tác hại, triệu chứng bệnh tật,... Bà T. thấy người phụ nữ nói rất hợp lý. Rồi người phụ nữ bảo, gần đó có cuộc hội thảo về bệnh liên quan đến mắt của một vị giáo sư tên Trần Thu Hà.

Tin lời, bà T. lên xe máy của người phụ nữ đi đến cuộc hội thảo. Đến nơi, người phụ nữ tỏ ra tiếc rẻ, nói rằng hội thảo đã kết thúc. Nhưng khi đó lại xuất hiện một người đàn ông trung tuổi. Ông này giới thiệu về một loại thuốc mắt. Ông ta giảng giải về tác dụng kỳ diệu của "thần dược". Giá thuốc là 10 triệu đồng/gói.

Lúc này, bà T đã tin tưởng lắm nhưng không mang theo tiền. Người phụ nữ liền lấy tiền ra trả giúp cho bà T. Mụ ta nói rằng: "Em cho chị mượn tiền, lúc nào có trả thì gọi điện thoại cho em cũng được. Bây giờ em chở chị về."

Thấy người phụ nữ tốt bụng, bà T. lên xe đi cùng về nhà. Đến nhà, bà T. nghĩ không muốn nợ nần nên vào lục tủ lấy tiền trả cho người phụ nữ.

Chị Tr. (con gái bà T.) kể rằng, khi đó đang bán quán nước gần nhà. Thấy mẹ mình đi cùng người lạ về nhà, chị liền đi theo. Vào nhà thấy mẹ lục tủ lấy tiền, chị hỏi thì mẹ chị bảo lấy tiền mua thuốc chữa mắt. Chị Tr. liền kiểm tra thuốc thấy không có nhãn mác gì, lại như hạt điều. Chị tưởng, mẹ chị bị thôi miên.

Chị Tr. liền vỗ mạnh vào vai mẹ mình và hỏi to: "Mẹ đã tỉnh chưa?". Bà T. liền trả lời: "Mẹ có làm sao đâu mà tỉnh". Rồi chị Tr. hô hoán. Người phụ nữ kia hoảng hốt quay xe máy bỏ chạy. Chồng chị Tr. lập tức đuổi theo. Lúc này, một phụ nữ trẻ hơn xuất hiện cố tình ngáng đường để người phụ nữ kia chạy đi. Tuy nhiên, người dân đã kéo ra bắt giữ cả 2 kẻ lừa đảo.

Lúc sau, một bà già xuất hiện nói rằng mình là mẹ của người phụ nữ trẻ. Nhưng giải thích một lúc không được, bà ta biến mất. Lát sau, lại một người đàn ông xuất hiện, tìm cách đánh lạc hướng để giải cứu 2 phụ nữ kia nhưng bị người dân bắt giữ. Tất cả được giao cho công an.

Công an huyện Từ Liêm cho biết vẫn đang điều tra về hành vi lừa đảo của các đối tượng này để xử lý.

Trả lời chúng tôi, chị Tr. không rõ, bà T. có bị thôi miên hay không. Nhưng chị Tr. khẳng định, mẹ mình vẫn kể lại từng chi tiết toàn bộ quá trình gặp người phụ nữ: bà ta đã nói những gì, dẫn bà T. đi đâu, làm việc gì,... Những người chứng kiến vụ việc cũng thừa nhận, bà T. vẫn tỉnh táo. Sở dĩ bà dẫn người phụ nữ kia về nhà vì quá tin người, bị lừa.
Thông tin về các vụ thôi miên tại nhiều địa phương từng khiến không ít người tỏ ra lo lắng. Mới đây, tại sân bay Vinh (Nghệ An), một phụ nữ đi tìm chồng đã bị cảnh sát bắt vì bị nghi là "phù thủy".

Sáng 3/12, một doanh nhân tên Dũng đến sân bay thì được một phụ nữ lại gần nhờ tắt hộ điện thoại iPhone 4S vì không biết tắt. Sợ bị thôi miên, doanh nhân này liền hô hoán làm người phụ nữ hoảng quá bỏ chạy.

Kết quả, chị K.T. (35 tuổi) và người bạn đi cùng tên T.H (33 tuổi), quê Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, đã bị cảnh sát bắt giữ.

Tuy nhiên, cơ quan công an đã làm rõ, sự việc không phải như vậy. Chị K.T. không định thôi miên ai cả. Chị T. có chồng buôn cây cảnh từ Vinh ra Bắc, khoảng 3 tháng nay không về. Nghi chồng có bồ nên chị lặn lội vào Vinh tìm. Ai ngờ, vừa đến Vinh, chị K.T. gặp rắc rối vì bị người doanh nhân nghi ngờ chị có ý định thôi miên.

Chồng chị T. cũng đã có mặt để xác nhận đó là vợ mình. Không có chứng cứ phạm tội, chị K.T. và chị T.H. đã được trả tự do. 
Cảnh Kiên (nguồn: khampha.vn)

Thôi miên lừa đảo: Coi chừng ảo thuật

Mắt thường không thể thấy nếu động tác đổi tiền nhanh hơn tốc độ 30 hình ảnh/giây. Do vậy, nạn nhân không bao giờ lý giải được vì sao tiền bạc mất ngay trước mắt mình.

Thời gian qua, có nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng họ đã bị thôi miên đến mức bị mất tiền bạc, tài sản mà không thể nhớ được quá trình mất. Chỉ sau khi kẻ thôi miên đi, nạn nhân mới biết bị mất của.

Không chỉ vậy, có thông tin báo chí phản ánh, nhân viên ngân hàng chỉ cần nhìn vào mắt một người lạ, lập tức bị thôi miên đến mức ngoan ngoãn đưa tiền cho người khác trong tình trạng vô thức.

Không thể “ép” thôi miên người khác
Trao đổi với PV, thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân - Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN bác bỏ khả năng các vụ lừa đảo trên do thôi miên gây ra.

Ông nói: “Nếu ai có thể ép người khác vào trạng thái thôi miên để sai khiến họ làm theo lệnh của mình, hãy đến đây gặp tôi.”

“Để đưa người khác vào trạng thái thôi miên, điều kiện trước tiên họ phải đồng ý hợp tác. Không một ai trên thế giới này có thể ép buộc người khác vào trạng thái thôi miên”,
ông Quân - thành viên tổ chức thôi miên quốc tế – NGH khẳng định.

Ông lý giải, thôi miên chẳng qua là tạo điều kiện cho người ta tập trung vào điều họ đang muốn tập trung. Có nhiều cách để giúp một người vào trạng thái thôi miên, nhưng chung quy lại, tìm cách để người khác nhìn tập trung vào một điểm nhất định. Mục đích, làm ý thức hệ của người đó không còn để ý chuyện xung quanh, tập trung vào lời chỉ dẫn của nhà thôi miên.
Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân
“Tóm lại, trạng thái thôi miên do bản thân mình tự vào, nhà thôi miên chỉ là gợi ý để quá trình vào trạng thái nhanh hơn”, ông Quân khẳng định.

Thạc sĩ cho biết thêm, từ trước đến nay, nhiều người tin rằng mắt nhà thôi miên có sự huyền bí, nhìn vào sẽ bị thôi miên. Thực ra mắt hay ngón tay hay vật gì khác cũng vậy, chả qua là để người khác tập trung vào một điểm nhất định.

Nhà huấn luyện thôi miên – Viện nghiên cứu thôi miên Arnstorf – CHLB Đức, ông Nguyễn Mạnh Quân cũng cho rằng, ngay cả trong trạng thái thôi miên, con người tỉnh táo, thông minh hơn nhiều. Không thể có chuyện nhà thôi miên sai khiến họ làm điều họ không muốn.

Có thể lừa bằng trò ảo thuật
Loại trừ khả năng nạn nhân mất tiền do thôi miên, ông Quân cảnh báo trò lừa đảo bằng ảo thuật. Tuy vậy, ông Quân nhấn mạnh, cả ảo thuật và thôi miên đều có điểm chung “không thể bắt người khác làm theo mệnh lệnh của mình”.

Ông cho biết, ảo thuật dựa vào khả năng phân tích của thị giác, chỉ lưu giữ và phân tích được 30 hình ảnh/giây. Nếu tốc độ nhanh hơn, sẽ để lại hình ảnh ảo, mắt người không ghi nhận được.

Người nắm được thuật ảo thuật sẽ biết cách làm động tác gạt đồ, đổi tiền nhanh hơn tốc độ này. Do đó, người bị lừa sẽ không bao giờ lý giải được vì sao tiền bạc có thể mất ngay trước mắt mình.

Điểm đáng lưu ý, phương pháp sử dụng ảo thuật để lừa đảo chủ yếu được kẻ gian lợi dụng trong trường hợp đổi tiền hoặc vật nhỏ trên bàn, trên tay.

Thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân đưa ra ví dụ, trường hợp dễ bị ảo thuật lợi dụng nhất là trò lừa đảo ở các cửa hàng.

Bao giờ kẻ dùng ảo thuật lừa đảo cũng đóng vai khách hàng đến mua, thường đi 2 người, một người vào mua hàng, một người ở ngoài đợi.

Sau khi chọn hàng xong, người mua sẽ cùng với chủ cửa hàng ra ngoài đóng gói. Lúc này, người mua sẽ tìm cách để chủ cửa hàng quay mặt đi. Ví dụ, họ thường nhờ chủ của hàng lấy hộ cái kéo, cuốn băng keo...

Đóng gói xong, người mua sẽ lấy lý do đi đổi ngoại tệ, hoặc có việc gửi lại gói hàng, lát sau sẽ quay lại lấy.

Ông Quân khẳng định, gói hàng gửi lại đó chính là đồ giả, người mua hàng không bao giờ quay lại lấy.

Lý giải điều này, ông Quân cho biết, gói hàng gửi lại đó đã được bọn lừa đảo chuẩn bị sẵn, chỉ cần chủ cửa hàng quay lưng đi, gói hàng đã bị “người đứng ngoài” tráo đổi. Động tác rất nhanh, được tập luyện kỹ càng, nạn nhân không kịp nhìn thấy.

Theo Thạc sỹ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân:

Thôi miên không giống như cách người dân vẫn thường nghĩ là đưa người ta vào trạng thái vô thức để sai khiến. Từ “thôi miên” bắt nguồn từ chữ “Hypnos” dịch từ nghĩa tiếng Hy Lạp sang tiếng Việt là “ngủ”.

Tuy nhiên, trạng thái thôi miên không thật sự liên quan đến giấc ngủ. Thật ra thì thôi miên có thể giống như một trạng thái nằm ở giữa giấc ngủ và thức nhiều hơn. Trong khi cơ thể rơi vào trạng thái thôi miên, thì tinh thần được giải toả, cơ thể thư giãn, cảm giác thanh thản, bình tĩnh, không còn sợ hãi hay lo âu, buồn phiền. Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày ,mỗi con người chúng ta đều đã từng rơi vào trạng thái gần giống “thôi miên”, ví dụ mỗi sáng khi ngủ dậy – trạng thái giữa ngủ và thức, khi chạy bộ, khi đọc một cuốn sách hay, lúc xem một đoạn phim hấp dẫn hoặc khi tập trung cao độ làm việc (nhất là việc bàn giấy, nghiên cứu, học tập…). Lúc đó, não bộ phát ra sóng Alpha (tần số từ 7 đến 13 Hz). Đây chính là trạng thái mà ta sẽ đạt được trong Thôi Miên. 
Dương Tùng (nguồn: khampha.vn) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét