Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Trộm nhà 4 'quan huyện', được hơn nửa triệu đô

Trung Quốc:

Trộm nhà 4 'quan huyện', được hơn nửa triệu đô

Theo báo Tin tức Bắc Kinh, bọn trộm táo tợn này nhận định chủ nhà là đảng viên Cộng sản Trung Quốc sẽ không dám báo công an vì sợ phải kê khai quá nhiều tài sản bất minh.
Ảnh minh họa: Lateralaction.com
Băng trộm 6 tên này đã đột nhập vào nhà riêng của ít nhất 50 quan chức ở 3 tỉnh miền trung từ năm 2010 đến năm 2012, trộm được hàng triệu USD tiền mặt và các thoi vàng to hơn nắm tay và nhiều loại ngọc ngà.

"Thần bài bịp" bày mưu trộm nhà quan
Nhân viên điều tra nói băng “nhập nha” này chỉ nhắm vào các cán bộ đảng viên mà chúng cho là “quan tham” và họ sẽ không dám báo công an, vì không muốn bị công an chú ý vào số tài sản bất minh.

Chiến thuật này có hiệu quả: vì ngán bị nhân viên điều tra của Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI) mời giải trình về số tài sản che giấu này, các chủ nhà đều “ngậm tăm”.

Thực tế là mỗi tên trộm đã có thể mua một xe đắt tiền hiệu Toyota Prado trị giá khoảng 480.000 Nhân dân tệ (86.000 USD) ở TQ.

Tên đầu đảng Wang Shengli, 34 tuổi người Hà Nam, từng có tiền án phải ngồi tù 3 năm và khi thụ án, hắn tập hợp 5 bạn tù thành băng trộm. Chúng ra tay ngay sau mãn án hồi năm 2010.

Có thông tin Wang-đã ly dị vợ, bỏ học trung học-gợi ý cho đồng bọn quyết định chỉ trộm nhà của các quan chức. Một tên cờ bạc bịp là bạn của Wang nói: “Gã luôn khoe thành tích trộm nhà quan”.

Nạn nhân đầu tiên là Zhao Xinghua, bí thư huyện Zhengyang, rồi bí thư Wang Zhaojun huyện Pingyu.

Hai bí thư khác ở tỉnh Hà Nam là Zhang Jinquan và Liu Mingjie trở thành nạn nhân thứ ba và thứ tư.
Wang được ghi nhận là “thần bài bịp” và quan điểm trộm nhà quan của hắn đã có hiệu quả: không một vụ trộm nào bị báo công an, dù bọn trộm đã lấy được tổng cộng 3 triệu Nhân dân tệ (541.000 USD) từ nhà 4 bí thư này.

Một nguồn tin giấu tên cho tờ Tin tức Bắc Kinh biết: “Những quan ấy không sạch, nên Wang đoan chắc họ không dám báo công an”.

Trước khi thực hiện một vụ trộm, chúng điều nghiên kỹ lưỡng mục tiêu trong nhiều tháng, để biết chắc các quan này “có vấn đề” và sẽ phải “im” thì chúng mới ra tay.

Nhưng băng trộm Wang hết gặp may hồi tháng 12.2012, khi Wu Lanxi (bí thư huyện Zhengyang) bị trộm viếng nhà và mất 10.000 Nhân dân tệ (1.631 USD) lại làm điều hiếm: báo công an.

Vài tuần sau, công an tóm gọn băng trộm Wang, tịch thu hàng trăm ngàn Nhân dân tệ và 6 thỏi vàng lớn của 40 viên ngọc trong xe của chúng.
Bí thư ép công an viên lập biên bản dối trá

Hiện cuộc điều tra băng trộm Wang và các nạn nhân của chúng đang tiếp tục. Wang khai đã trộm 1 triệu Nhân dân tệ của bí thư Zhao.

Theo Tin tức Bắc Kinh, Zhao ép một công an viên làm biên bản rằng ông ta chỉ bị trộm 6.000 Nhân dân tệ, vì Zhao biết tay công an này đã “chạy” tiền để được thăng chức.

Năm ngoái, Zhao đã bị bắt và sau khi lộ vụ ép làm biên bản giả, 2 công an viên cũng bị bắt, còn băng trộm Wang thì đang chờ ngày hầu tòa, theo tờ Tin tức pháp lý buổi tối.

Theo báo New York Times, tên tội phạm Mỹ Willie Sutton luôn được dẫn lời phát biểu của hắn, rằng hắn cướp nhà băng “vì ở đó mới có tiền”. Và những tên trộm TQ cũng “viếng nhà” các quan tham cũng vì “ở đó mới có tiền”.

Các quan này là mục tiêu lý tưởng, vì họ có nhiều tiền mặt là tiền “ăn bẩn”, không dám gởi ngân hàng vị sợ bị CCDI điều tra.

Hồi tháng 8, hai phụ nữ ở tỉnh Giang Tô bị buộc tội trộm, đã khai ra những ngôi nhà sang trọng của các cán bộ địa phương mà hai thị đã vào trộm, theo China Daily. Hai thị hy vọng được giảm án khi tố cáo những dấu hiệu tham nhũng này.

Bị cáo Tang Shuiyan nói với China Daily: “Tôi trộm, bị tù là đúng. Nhưng các quan tham thì cũng phải ở tù. Nếu việc tố cáo này giúp vạch mặt họ, có thể tôi sẽ được giảm án”.

Các nhà báo của Tin tức Bắc Kinh cũng đang xem xét nhiều vụ trộm nhắm vào cán bộ công chức từ năm 2004. Họ phát hiện không một tên trộm nào được giảm án.

Các vụ án này cũng không kết thúc êm đối với các nạn nhân bị nhập nha: nhân viên điều tra CCDI vào cuộc xác minh nguồn gốc tài sản của các quan bị trộm này.

Những vụ “nhà quan bị trộm” góp phần làm uy tín đảng Cộng sản Trung Quốc bị khủng hoảng trầm trọng, nên Chủ tịch Tập Cận Bình từ lúc làm Tổng bí thư hồi năm 2012 đã phải tung chiến dịch “đập ruồi đả hổ” chống tham nhũng.

Hồi tháng 7.2014, Bắc Kinh đã mở chiến dịch “săn cáo” là các quan tham tẩu tán công quỹ rồi trốn ra nước ngoài. Giới truyền thông chính thống TQ đưa tin đã có 750 “quan” bị buộc trở về nước hồi năm ngoái.

Bảo Vĩnh (nguồn: Một Thế giới)


Xem thêm bài:

Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan 'găm' chốn nào?

“Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan găm chốn nào, chỉ có trộm mới biết, quan giấu vàng ở đâu…” có người đã mượn lời thơ “Thuyền và biển” của nữ sĩ Xuân Quỳnh để nói về chuyện “trộm và quan” thời nay như vậy.
Siêu trộm Đặng Ngọc Tân ở Đà Nẵng đã đột nhập vào 45 nhà quan chức, đại gia.
Mới đây nhất là vụ mất trộm 1,6 tỷ đồng của ông Đào Anh Kiệt- Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, khi sự việc vỡ ra, ông Kiệt cho biết: “Đó là tiền mồ hôi nước mắt dành dụm để mua nhà cho con trai”.

Có lẽ chúng ta cũng dễ dàng đồng ý với ông Kiệt rằng tiền nào cũng là tiền mồ hôi nước mắt cả, nó không phải từ trên trời rơi xuống. Nhưng vụ mất trộm của ông Kiệt, ở cơ quan, tiền để trong hộc tủ với một số lượng lớn như vậy khiến cho người dân nghe thấy không tránh khỏi sự bán tín bán nghi. Sao lại để một số tiền lớn như vậy hớ hênh ở cơ quan được nhỉ?

Mà cái sự quan chức mất trộm ngày nay, nó muôn hình muôn vẻ lắm. Hồi năm 2013, một nhóm trộm đột nhập vào nhà ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan - Trưởng phòng tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai khóa cửa ngoài. Dưới gầm giường nhà ông bà có một vali đã bị bọn chúng nẫng đi với tổng cộng 65 cây vàng.

Ngặt một nỗi, trộm thì lấy đi 65 lượng vàng, nhưng thoạt đầu gia chủ đi báo lên Công an phường Yên Đổ (TP. Pleiku) là bị trộm đột nhập nhà, nhưng không bị mất tài sản. Khoảng một tuần sau, bà Lan lại có đơn trình báo gửi Công an TP. Pleiku, nhà bà bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp 5 cây vàng.

Các chú trộm biết tin mừng quá, bèn hối hả lấy vàng ra tiêu, vì 65 cây vàng mà gia chủ chỉ dám thừa nhận mất có 5 thì 60 cây kia chả phải đã “kính biếu” không cho trộm rồi chứ còn gì nữa? Và vì quá tự tin với món quà trời cho, nên trộm sa lưới.

Tháng 6-2013, ba tên trộm đã đột nhập vào nhà một nữ cán bộ văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và lấy đi 57 lượng vàng cùng 50 triệu đồng tiền mặt. Chồng nạn nhân là cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Nghệ An, đã về hưu.

Mới hồi tháng 5-2014 vừa qua, nhà riêng của ông Lăng Văn Hòa - Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Kạn bị trộm đột nhập, lấy đi 40.000 USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, 1 cặp nhẫn cưới và 100 triệu đồng.

Nói chung những vụ mất trộm của nhà quan chức, chỉ cần bạn đọc chịu khó ngồi tỉ mẩn ngồi tìm kiếm thông tin trên mạng một lúc là ra cả đống. Vụ nào mất cũng cỡ tiền tỷ trở lên cả.

Một “siêu trộm” tên là Đặng Ngọc Tân sinh năm 1982 tại Đà Nẵng đã 45 lần đột nhập tư gia nhà các doanh nhân, quan chức và thành công 36 vụ, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. “Siêu trộm” từng lấy đi 110 cây vàng miếng SJC ở nhà một vị giám đốc sở này tâm sự rất thật trước tòa: “Nhà đại gia, quan chức mới lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào cho mất công”.

Đấy, chân lý thật là dễ hiểu, cứ đột nhập vào nhà đại gia, quan chức thì chắc chắn thành công, chứ ngu gì chui vào nhà dân thường, vừa xôi hỏng bỏng không có khi lại còn bị đánh cho gần chết. Lấy của quan, không những quan thương, mất nhiều thì quan báo thành ít, mà mất ít thì quan ỉm luôn hộ đi cho. Thật là sung sướng không biết đâu mà kể.

Mối quan hệ giữa “trộm và quan” thật khăng khít gắn bó chẳng khác gì “thuyền và biển” và trong bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh. “Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan găm chốn nào, chỉ có trộm mới biết, quan giấu vàng ở đâu…” Bí mật của quan không ai biết rõ ngoài trộm, mà cũng không ai “thương” trộm hơn quan, vì quan có lu loa mất của lên thì dại mặt quan, nên nhiều vụ quan đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Một thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2013, các cơ quan chức năng đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can, nhưng chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Còn thống kê của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2011 chỉ phát hiện 2 trường hợp được xác định kê khai không trung thực và năm 2012 là 3 trường hợp.

Đọc những con số thống kê này, có người nói vui là sao không nhờ đến các chú trộm và “siêu trộm” kiểm tra, đối chiếu giúp cho bản kê khai tài sản của các cán bộ, công chức xem có thực đúng với những gì họ đang cất giữ trong gầm giường, hộc tủ nhỉ? Đơn giản lắm, chỉ cần một ông “siêu trộm” như ông Tân ở Đà Nẵng, 45 vụ đột nhập và thành công tới 36 vụ đủ biết trình độ cất giấu của chìm của nổi của các quan chức nước mình còn non lắm.

Nhưng nói cho vui vậy thôi, chứ ai dại gì mà dùng trộm vào việc kiểm tra tính xác thực trong việc kê khai tài sản của công chức, cán bộ, quá bằng “lậy ông tôi ở bụi này” cho các vị quan chưa bị trộm viếng thăm.

Trộm hay quan, quan hay trộm, trong cái thời buổi nhập nhèm này, trộm là một thứ quan trong bóng đêm, còn có khi quan lại là một thứ trộm giữa ban ngày ban mặt cũng nên. Ai mà biết được.
Mi An (nguồn: Báo Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét