Đứa cháu nội bất hiếu
Cả ngày, những người hàng xóm không thấy ông Dương Văn Hoàn, SN 1924, trú tại thôn Quảng Mô, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang ra ngoài như mọi ngày liền sinh nghi. Sau một hồi tìm ngoài vườn không thấy, những người hàng xóm quyết định phá cửa nhà ông...Cụ ông chết bất thường dưới gầm giường
Khi cánh cửa mở và ánh điện được bật lên, họ tìm khắp trong nhà cũng không thấy. Những người hàng xóm liền dùng đèn pin soi những ngóc ngách, căn buồng trong nhà và họ phát hiện xác ông Hoàn dưới gầm giường.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Hình sự PC 45 CA tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương xuống hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc. Tại hiện trường, xác ông Hoàn nằm dưới gầm giường được phủ bởi chiếc chăn thường ngày ông vẫn dùng. Khám nghiệm tử thi cho thấy, mu bàn chân của ông Hoàn có dấu hiệu lạ, bị cháy xém, nghi bị điện giật. Ngoài ra, trên cơ thể còn có những vết cháy xém bất thường. Qua khám nghiệm, cảnh sát xác định ông Hoàn chết do bị điện giật. Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát còn phát hiện đồ đạc của cụ ông bị xáo trộn.
Ngoài tiền mặt, cụ ông còn bị mất một sổ tiết kiệm để trong tủ. Nhưng qua khám nghiệm cho thấy, chiếc tủ không bị cậy phá, mà được mở rất “chuyên nghiệp”, điều này cho thấy nhiều khả năng hung thủ có thể là người quen biết với nạn nhân.
Một cuộc họp nhanh được các trinh sát CA tỉnh Bắc Giang họp bàn, qua đó, nhiều dấu hỏi được đưa ra. Những dấu vết để lại hiện trường cho thấy hung thủ chuẩn bị khá kỹ càng phương thức cũng như thủ đoạn để xuống tay sát hại cụ ông cũng như hung thủ nắm rất rõ quy luật sinh hoạt của nạn nhân và có thể có mối quan hệ mật thiết với ông Hoàn. Nhưng kẻ nào đã táng tận lương tâm xuống tay sát hại cụ ông rồi phi tang dưới gầm giường là một dấu hỏi lớn được các trinh sát đưa ra. Lúc này, điều thấy lạ, từ khi phát hiện thấy xác cụ ông, không thấy đứa cháu “trưởng tôn” Dương Xuân Hào, SN 1978 của ông Hoàn đâu. Mà thường ngày, Hào vẫn đi đi, về về và sống cùng với ông nội, tuy nhiên, hai ông cháu không ăn chung. Nghi can số một được các trinh sát tập trung vào Hào. Nhưng khi liên lạc thì mọi thông tin liên quan đến Hào đã bị ngắt.
Ngay lập tức, toàn bộ trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Phòng PC 45 CA tỉnh Bắc Giang được tung vào cuộc, lần tìm dấu vết, hướng đi của hung thủ. Với quyết tâm truy bắt hung thủ một cách nhanh nhất, chỉ chưa đầy hai tiếng sau, nghi can số một của vụ án đã được đưa về trụ sở cảnh sát. Tại đây, Dương Xuân Hào ban đầu quanh co. Thế nhưng, với những chứng cứ xác đáng được các điều tra viên đưa ra, Hào đã cúi đầu nhận mình chính là hung thủ xuống tay sát hại ông nội nhằm mục đích cướp tài sản..
Phạm nhân Dương Xuân Hào tâm sự với PV trong trại giam. Ảnh: N. Vũ |
Theo lời khai của Hào, sau khi vợ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Hào tiếp tục quay lại thuê kiốt bán rau, quả tại TP Thái Nguyên. Nhưng sống cảnh gà trống nuôi con, cuộc sống cơ cực và đã nhiều lần Hào đưa con về nhà nhờ ông nội và bên ngoại cưu mang chăm sóc. Được những người thân đỡ đần, nhưng cuộc sống của Hào vẫn thiếu thốn. Nhiều lần, nhìn thấy ông nội có tiền nên nghĩ vợ mình gửi về cho ông mà không gửi về cho mình khiến cho Hào cay cú. Nhiều lần, Hào đã về nhà ngỏ ý vay tiền ông nội nhưng không được đáp ứng. Thậm chí, có lần túng thiếu, vay tiền ông nội không được, Hào lại thấy ông cho cô, chú vay khiến cho đứa cháu “trưởng tôn” thêm phần uất ức, nảy sinh ý định điên rồ, nhằm mục đích cướp tài sản của người đã cưu mang, nuôi dưỡng mình.
Giữa tháng 7-2009, Hào nhìn thấy ông hàng xóm mang tiền lương đến cho ông nội mình. Sau bữa cơm, Hào nhìn thấy ông Hoàn để tiền trong túi áo rồi đi ngủ nên hắn đã nghĩ cách xuống tay với ông nội. Theo đó, khoảng 21g ngày 16-7, Hào đi lên nhà mở hòm, lấy một đoạn dây điện dài hơn 4m, loại dây đôi màu vàng, lõi có nhiều sợi bằng đồng, đầu dây có phích cắm điện. Sau đó, hắn dùng dao tuốt bỏ một phần vỏ ở đầu dây không có phích cắm, chừa một đầu ngắn, một đầu dài để tránh dây bị chập vào nhau.
Chuẩn bị phương tiện gây án xong, đợi ông nội ngủ say, Hào cầm đoạn dây điện lẻn vào phòng và nhẹ nhàng buộc dây điện vào chân của ông nội rồi cắm điện. Không những vậy, Hào còn nhiều lần gí điện lên khắp cơ thể của ông nội. Sau khoảng 5 phút biết ông Hoàn đã chết, Hào lục túi lấy 3 triệu đồng, và lấy chìa khóa mở tủ của ông nội lấy tiếp 6 triệu đồng và một quyển sổ tiết kiệm có 35 triệu đồng tiền gửi. Sau đó, Hào quay lại hiện trường, đẩy xác ông nội vào gầm giường và dùng chăn phủ lên người ông, rồi ra ngoài khóa cửa ngoài lại và sang hàng xóm ngồi uống nước, tạo chứng cứ ngoại phạm.
Sáng hôm sau, Hào vẫn đưa con đi ăn sáng bình thường, rồi gửi con về ngoại và mang số tiền cướp được của ông nội về TP Thái Nguyên trang trải nợ nần và chạy trốn. Thế nhưng, chỉ ít tiếng sau, Hào đã phải tra tay vào vòng số 8 dưới sự ngỡ ngàng và đau đớn của những người thân.
Ngày đưa Hào ra trước vành móng ngựa, họ hàng nội ngoại và cả hàng xóm đã kéo đến kín khán phòng xét xử. Chỉ duy nhất người vợ mà Hào mong ngóng nhất vẫn đang phải làm việc cật lực bên xứ người và chưa thể về được. Cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hào đều bị tuyên mức án tử hình về tội Giết người, cướp tài sản. “Lúc đó, tôi đã xác định mức án mình phải trả giá, nhưng không hiểu sao lúc nghe tòa tuyên án, lòng cứ thắt lại, nước mắt giàn giụa, thương con nhỏ...”, Hào tâm sự.
Những ngày đầu về phòng biệt giam, Hào thấm thía cảm giác cô đơn, lạnh lẽo trong căn phòng cao ngút ấy. Sự đấu tranh giằng xé với sự sống và cái chết khiến cho Hào bao đêm không ngủ. Thế rồi, được sự động viên của cán bộ, Hào đã cầm bút viết đơn. Mặt khác, thương cảm cho hoàn cảnh của Hào, chính những người ở chính quyền địa phương, đoàn thể nơi Hào từng sinh sống và làm việc đã tha thứ và cầm bút viết đơn gửi lên Chủ tịch nước xin tha tội chết cho Hào.
Theo lời Hào, những cánh đơn được gửi đi, ở nơi biệt giam ấy, Hào sống những chuỗi ngày khắc khoải, chờ đợi. Đã có lúc, Hào cảm thấy sự chờ đợi ấy có lẽ sẽ vô vọng. Mỗi lần cùng cực ấy, Hào lại bắt nhịp để những anh em bên phòng biệt giam khác cùng hát. Theo lý giải của Hào thì hát để được tiếp thêm động lực, quên đi cái chết đang cận kề...
Nguyễn Vũ (nguồn: phapluatxahoi.vn)
Nghịch tử sát hại ông nội được mở đường sống
Những ngày đầu về phòng biệt giam, Dương Xuân Hào, SN 1978, trú tại xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thấm thía cảm giác cô đơn, lạnh lẽo. Sự đấu tranh giằng xé giữa sự sống và cái chết khiến cho Hào bao đêm không ngủ.Thế rồi, Hào quyết định cầm bút viết đơn. Thương cảm cho hoàn cảnh, chính quyền địa phương, đoàn thể nơi Hào từng sinh sống và làm việc đã tha thứ và cầm bút viết đơn gửi lên Chủ tịch nước xin tha tội chết...
Cuộc đời nhiều nốt trầm
Theo lời Hào thì tuổi thơ, cậu ta đã sống những tháng ngày đầy dông tố. Khi em gái Hào được 48 ngày tuổi thì tai nạn ập đến, khiến mẹ Hào vĩnh viễn lìa cõi trần. Không chịu được cảnh gà trống nuôi con, ít năm sau đó, bố Hào lấy vợ và sinh liền 2 người con khác. Cứ tưởng có mẹ, có bàn tay của người đàn bà trong gia đình sẽ làm cho cuộc sống của Hào thêm phần ấm áp.
Nhưng cuộc sống dì ghẻ, con chồng khiến cho đứa trẻ ngang bướng Dương Xuân Hào ngày càng nóng nảy. Hào thường xuyên cãi lại lời dì khiến không khí gia đình luôn “căng như dây đàn”. Thấy vậy, ông Hoàn phần nào hiểu được cháu nội. Thương cho chúng khi tuổi còn quá bé đã phải chịu cảnh côi cút nên bao tình thương yêu, ông Hoàn dành hết cho đứa cháu “trưởng tôn”.
Biết con bướng bỉnh, cha Hào cũng dành nhiều tình cảm, với mong muốn cậu ta hiểu được, thay đổi tâm tính và dĩ hòa vi quý với những thành viên trong gia đình. Năm tháng trôi đi, Hào lớn dần và hiểu được lòng dì hơn. Cứ tưởng, hạnh phúc sẽ mỉm cười trong căn nhà ấy, nào ngờ được ít năm thì Hào lại phải chấp nhận cảnh mồ côi cha. Cả cha lẫn mẹ qua đời khiến anh em Hào đau đớn. Sau khi cha mất, mẹ kế của Hào cùng 2 em cũng chuyển đi nơi khác sinh sống. Và từ đó, cuộc sống của anh em Hào được bao bọc bởi đồng lương hưu ít ỏi của ông và những người thân trong gia đình, họ hàng.
Thấu hiểu cho hoàn cảnh, dù Hào ít học, nhưng cán bộ nơi đây đã tạo điều kiện cho cậu ta tham gia công tác ở địa phương với nhiều công việc khác nhau, từ dân quân tự vệ, đến bí thư chi đoàn thôn, xã. Với bản tính nhanh nhẹn, hoạt bát, Hào đã lấy được lòng nhiều cán bộ xã và thậm chí nhiều lần được cử đi thi hội thao cấp huyện và tỉnh. Dù công việc thuận lợi, nhưng trong gia đình ông cháu Hào thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ.
Cuối năm 1997, cảm thông cho hoàn cảnh, cô gái xã bên đã đồng ý kết hôn cùng Hào. Năm 1999 và 2000, hai đứa con của Hào lần lượt chào đời. Gia đình thêm người, gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai những người lớn trong gia đình. Là trụ cột, Hào gửi vợ con lại nhờ cậy ông nội trông nom và rời quê đến TP Thái Nguyên thuê ki ốt bán hàng rau quả. Những ngày đầu bán hàng, có duyên lại khéo ăn, khéo nói, Hào đã có của ăn của để. Thế nhưng, cuộc sống xa nhà, trong người lại có tiền khiến Hào sa ngã. Cậu ta đã nhanh chóng bị xoáy vào vòng đỏ đen. Càng thua, Hào càng cay cú muốn gỡ gạc và rồi bỏ bê công việc bán hàng ở ki ốt. Không những không gửi tiền cho vợ nuôi con, Hào còn không ít lần về móc cả những đồng tiền tằn tiện của vợ từ việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Năm 2005, thương các con, vợ Hào đã quyết định kéo chồng về quê chăm nom con cái và gia đình, còn chị làm hồ sơ, vay mượn tiền đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
![]() |
Dương Xuân Hào bảo rằng thật hạnh phúc khi nghe tin được tha tội chết. Ảnh: Nguyễn Vũ |
Sau khi vợ đi lao động, Hào trở về quê tiếp tục công việc ở thôn và chăm sóc con cái, không ăn chung cùng ông nội. Nhưng khi về đây, máu cờ bạc như ngấm sâu vào chàng trai ấy. Ở xứ người, biết chồng ngấm sâu vào đỏ đen nên tiền tiết kiệm được bằng mồ hôi nước mắt nơi đất khách chị đều gửi về bên ngoại hoặc ông nội để cất giữ, chi tiêu vào việc sinh hoạt gia đình chứ không gửi cho chồng. Túng thiếu, Hào đã nhiều lần hỏi vay ông nội nhưng không được đáp ứng. Vì thế, đứa cháu bất hiếu đã lên kế hoạch sát hại ông mình dã man bằng dây điện. Tội ác của Hào không thể dung thứ và hắn đã phải trả giá về lỗi lầm của mình bằng bản án tử hình.
Hào bảo rằng, đã xác định được bản án mình phải trả, nhưng khi đối diện với cái chết cận kề thì cũng là lúc lương tri của con người thức tỉnh. Trong gia đình, nỗi đau mất ông nội vẫn còn đó, nhưng có lẽ hai đứa trẻ sẽ chẳng thể đứng dậy được khi thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ và cha lại đối diện với cái chết. Nghĩ đến con, được sự tha thứ của chính quyền địa phương đoàn thể nơi Hào sinh sống, cậu ta đã cầm bút viết đơn gửi lên Chủ tịch nước xin tha tội chết. “Những ngày chờ đợi với tôi thật khủng khiếp. Tâm trạng nặng nề, chân bị cùm, vì thế mỗi lần thấy mình ở bờ vực thẳm, tôi lại cất cao giọng hát để quên đi quá khứ buồn, quên đi tội lỗi và quên cái chết đang cận kề...”, Dương Xuân Hào tâm sự.
Hào bảo rằng, những ngày tháng trong phòng biệt giam, vợ anh ta cũng đã về và khăn gói thăm Hào. “Cô ấy đã khóc rất nhiều, trách tôi làm điều dại dột. Nhưng trong lòng, tôi biết vợ tôi thương tôi rất nhiều. Chính những cử chỉ của cô ấy và lời nhắn nhủ của các con đã là động lực cho tôi sống tiếp và chờ đợi...”, Hào kể.
Những cán bộ quản giáo, có cán bộ ở gần nhà Hào, biết được hoàn cảnh và “tài lẻ” của anh ta nên cũng lấy làm thương cảm và chia sẻ. “Thỉnh thoảng, cán bộ còn cho tôi mượn báo để đọc cho khuây khỏa. Nhiều lúc chân tay mỏi rã rời, mặc dù bị cùm nhưng tôi cũng cố gắng đi bằng một chân để vận động, tập thể dục hoặc cất giọng hát. Mỗi lần như thế, tiếng xích leng keng đánh động cả khu giam giữ và vì thế, tôi đã được cán bộ đặt thêm cho cái biệt danh “Tôn ngộ không” trong trại giam. Nhưng cũng không ít đêm, cứ vừa chợp mắt, tôi lại thấy ông về trách móc...”, Hào tâm sự thêm.
Gần 2 năm Hào sống trong tuyệt vọng, cô đơn và bế tắc. Giữa lúc tưởng chừng như không thể đứng vững thì ngày 23-11-2012, bỗng Hào thấy tiếng cửa sắt mở. Trên tay cán bộ cầm tập tài liệu và nói rằng Hào dậy chuẩn bị đồ cá nhân. “Lúc đó, tôi lấy làm lạ vì nghĩ phải chăng mình đã đến ngày phải trả giá?... Nghĩ đến đây, hai hàng nước mắt ứ nghẹn. Đúng lúc ấy, cán bộ nghiêm trang đọc quyết định của Chủ tịch nước tha tội chết cho tôi. Cảm giác hạnh phúc, sung sướng ùa về, tôi vùng dậy chạy khắp khu biệt giam chia sẻ với anh em...”, Dương Xuân Hào kể lại.
Nguyễn Vũ (nguồn: phapluatxahoi.vn)
Lá thư thấm đẫm giọt nước mắt ân hận...
Gần 2 năm sống trong tuyệt vọng, cô đơn và bế tắc tưởng chừng không thể đứng vững thì ngày 23-11-2012, Hào bỗng thấy tiếng cửa sắt mở. Một cán bộ cầm tập tài liệu và nói rằng Hào dậy chuẩn bị đồ cá nhân. “Lúc đó, tôi lấy làm lạ vì nghĩ phải chăng mình đã đến ngày phải trả giá?... Nghĩ đến đây, hai hàng nước mắt ứ nghẹn...” - lời Dương Xuân Hào, SN 1978, trú tại xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tâm sự.Đúng lúc ấy, cán bộ nghiêm trang đọc quyết định của Chủ tịch nước tha tội chết dành cho Hào. “Cảm giác hạnh phúc, sung sướng ùa về, tôi vùng dậy chạy khắp khu biệt giam chia sẻ với anh em...”, Hào xúc động kể lại. Hào bảo rằng, tội của anh ta phải chết mới đáng. Nhưng khi con người ta đối diện giữa sự sống và cái chết thì tâm can như được bộc lộ rõ rệt. Sự khắc khoải, nghĩ đến người phụ nữ chân yếu tay mềm, những đứa trẻ nơi thôn quê đang phải chịu biết bao sự ghẻ lạnh do mình gây ra khiến tâm can Hào càng muốn sống. Thế nên, khi nhận được sự khoan hồng của Nhà nước, Hào như thấy mình được sinh ra một lần nữa.
Lời chia sẻ đầy nước mắt...
Sau khi hoàn tất những thủ tục cần thiết, Hào được chuyển về Trại giam Ngọc Lý, Tổng cục VIII, Bộ Công an thụ án. Nhiều đêm, Hào không sao ngủ được vì thương vợ, thương con và thầm cảm ơn những người ở thôn quê, những cán bộ địa phương, nơi Hào sinh ra. Có những người, chẳng phải ruột thịt, nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh của Hào, họ cũng thương cảm, cùng viết đơn, ký tên gửi lên Chủ tịch nước xin tha tội chết cho Hào.
Trong bức thư gửi về chính quyền địa phương nơi Hào từng sinh ra và làm việc chứa đựng tâm can đầy nước mắt: “Ban lãnh đạo, cùng các ban ngành đoàn thể, anh em hàng xóm, láng giềng thôn Quảng Mô, xã Phi Mô thân mến. Nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng là nơi tôi đã gây ra tội lỗi, đầy đau thương và mất mát cho gia đình, họ hàng và những người xunh quanh. Lời đầu thư, cho tôi được gửi lời xin lỗi chân thành nhất từ nơi cải tạo gửi về quê nhà.
Thưa ban lãnh đạo thôn nhà, cách đây 5 năm, tôi đã gây ra cái chết cho ông nội tôi và đánh mất đi những tình cảm thiêng liêng nhất cho gia đình, hàng xóm và lãnh đạo thôn đã dành cho tôi. Nay tôi viết thư này, xin được gửi lời xin lỗi đến toàn thể chính quyền và mong được nhận sự tha thứ.
Thưa ban lãnh đạo và hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ... quê nhà. 5 năm qua, bản thân tôi luôn sống trong sự day dứt, ân hận về những việc mình đã làm, đã gây ra tội lỗi cho gia đình, xã hội và đó cũng là một sự mất mát quá to lớn. Vì vậy, tôi đã phải nhận bản án tử hình. Trong lúc khắc khoải nhất và chờ đợi thi hành án tử hình thì ở quê nhà, các anh em họ hàng, làng xóm, đoàn thể, cùng chính quyền địa phương nơi tôi gây lên tội lỗi đã viết đơn xin tha tội chết gửi lên Chủ tịch nước và mong cho tôi nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước và được sống, cải tạo, sớm có cơ hội trở về với gia đình, trông nom 2 con còn quá nhỏ.
Trong khi cuộc sống, điều kiện hoàn cảnh của gia đình tôi đặc biệt khó khăn, bố mẹ tôi mất sớm, vợ tôi đi xuất khẩu lao động xa nhà thì tôi nhận được những tình cảm thân thiết, sâu nặng của gia đình, xóm giềng, ban ngành, đoàn thể... Chính điều ấy là động lực lớn để tôi được nhận sự tha thứ và khoan hồng của pháp luật, cho tôi được sống. Với những tình cảm thiêng liêng đó, cùng với sự tha thứ của chính quyền địa phương nơi quê nhà, tôi viết lá thư này xin được gửi nghìn lời xin lỗi đến quê nhà.
Để bù đắp và xứng đáng với tấm lòng của chính quyền địa phương dành cho, tôi xin hứa sẽ luôn chấp hành nội quy, quy định của trại giam, cải tạo tốt để có thể sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm có cơ hội trở về với gia đình, xã hội. Cuối thư, tôi xin được kính chúc các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương có sức khỏe tốt, gia đình hạnh phúc và hoàn thành tốt công việc mà nhân dân giao cho, giữ vững an ninh, chính trị nơi quê nhà...”.
Hào bảo rằng, được tha tội chết, lòng Hào như cởi bỏ được phần nào những nút thắt còn ngổn ngang. Thế nhưng, có lẽ người đau khổ và thiệt thòi nhất vẫn là vợ và 2 người con. Chúng đã phải trải qua bao khắc nghiệt của cuộc đời. Theo lời kể, thời gian đầu xảy ra cơ sự, 2 con của Hào đã phải sống lặng lẽ dưới sự bàn tán của nhiều người, thậm chí còn bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Nhưng có lẽ, Hào vẫn còn may mắn khi có được người vợ biết hy sinh và vượt qua mặc cảm.
Ước mơ giản dị của phạm nhân thoát án tử...
Theo lời Hào thì có lần lên thăm, vợ anh ta bảo rằng, dù có như thế nào, vất vả, chị vẫn sẽ chăm lo cho 2 con được ăn học, dù có phải đi làm thuê, làm mướn, cày cấy hay cửu vạn chị cũng sẽ cố gắng khiến Hào càng day dứt.Thế nên, trong bức thư dài 4 trang giấy gửi gắm biết bao tình cảm, sự hối lỗi của Hào.
“Vợ à! Lời đầu tiên, cho anh được gửi tới vợ và các con lời chúc sức khỏe và cho anh gửi lời hỏi thăm sức khỏe cô, dì, chú, bác nội ngoại... Ở quê nhà bây giờ đang mùa thu hoạch phải không em? Anh biết giờ này ở nhà em đang rất vất vả và rất bận cho vụ mùa em nhỉ. Ở trong sâu thẳm lòng anh, mong em hãy tha lỗi cho chồng nhé. Anh thấy thương vợ rất nhiều, khi công việc nặng nhọc thế này vậy mà chỉ một tay vợ lo toan, gánh vác. Cả nghìn lời xin lỗi của chồng cũng không xứng đáng, nhưng trong thâm tâm lúc nào cũng mong vợ tha lỗi cho chồng, để anh yên tâm cải tạo và sớm có ngày trở về, gánh vác công việc giúp vợ, giúp con và đỡ đần phần nào những gánh nặng trên vai vợ bây giờ...
Vợ ơi! Anh nhớ hôm nay là ngày giỗ của nội phải không? Cái ngày mà cách đây 5 năm anh đã gây ra tội lỗi của mình... Anh giờ này đang rất ân hận và đau khổ khi nhắc đến chuyện này. Vợ ở nhà hãy làm mâm cơm và thắp giúp chồng nén hương cúng giỗ nội và mong nội ở dưới suối vàng hãy tha lỗi cho đứa cháu nội bất hiếu này nhé.
Vợ à! Hôm vừa rồi, có đoàn PV muốn phỏng vấn, nói lên hành vi tội lỗi của anh đã gây ra. Ban đầu, anh không đồng ý, không muốn nói về tội lỗi của mình và không muốn đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng sau một giờ đồng hồ đấu tranh tư tưởng, anh đã đồng ý giãi bày lòng mình, chấp nhận sự thật với những gì mình đã gây ra. Sau khi làm việc với các anh chị ấy, anh lại càng thấy có lỗi nhiều với em và hai con. Nhưng chính lá thư, tấm ảnh của 3 mẹ con gửi cho anh đã là động lực để anh đứng dậy.
Đọc những dòng chữ con trai viết, thật lòng anh không sao cầm nổi nước mắt, anh cảm thấy có lỗi với vợ, hai con và gia đình họ hàng rất nhiều. Chính những dòng chữ của con viết chưa được gọn nét kia đã nói cho chồng biết được sự đau thương mất mát quá lớn của nó đối với người bố đầy tội lỗi.
Qua lá thư này, anh lại thấy con mình ở nhà phải chịu thiệt thòi quá nhiều khi bạn bè cùng trang lứa có một mái ấm gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ, chơi đùa vui vẻ, hạnh phúc thì con mình lại không có được những điều ấy. Qua lá thư này, vợ cho chồng gửi lời xin lỗi tới hai con nhé. Anh mong vợ ở nhà thay chồng dạy dỗ hai con tử tế, thành người, dù có vất vả cũng đừng để con làm bất cứ việc gì vi phạm pháp luật vợ nhé. Cảm ơn vợ rất nhiều…
Vợ à! Anh rất mong được sự quan tâm của vợ trong những năm tháng cải tạo còn lại của anh. Anh biết ở quê nhà vợ cũng rất vất vả, nhưng ở nơi đây, anh cũng rất thiếu thốn tình cảm của vợ, con và gia đình, người thân. Anh cũng đã cố gắng giữ gìn cải tạo khá trong suốt 5 năm qua để cho vợ xin cán bộ được gặp riêng, để vợ chồng mình bù đắp cho nhau tình cảm mà anh đã đánh mất gần 10 năm qua vợ nhé...”.
Nhìn những nét chữ của Hào viết, những tâm thư đong đầy nước mắt của Hào dành cho vợ, cho con, cho nơi đã cứu cuộc đời anh ta, tôi tin rằng, ở nơi quê nhà, người phụ nữ tần tảo và 2 con nhỏ có lẽ cũng đã tha thứ cho người cha tội lỗi. Và tôi cũng tin rằng, sức sống đã thật sự được hồi sinh sau bản án tử...
Sau khi nghe tin Hào bị bắt, vợ Hào nén nỗi đau, gạt nước mắt ở lại làm việc nơi xứ người đến khi hết hợp đồng. Sau 6 năm đi lao động nước ngoài, chị về nước và đón 2 con trở lại ngôi nhà cũ để nuôi nấng, chăm sóc. Vợ Hào đã và đang đứng lên từ chính nơi xảy ra nỗi đau trong gia đình chị, sau tội ác phải là sự hồi sinh và hạnh phúc. Chính niềm tin ấy đã giúp cho ngôi nhà nhỏ bé ấy dần lấy lại được thăng bằng và sống tiếp.
Nguyễn Vũ (nguồn: phapluatxahoi.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét