Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Thân thế kẻ khống chế con tin ở Hà Nội

Động cơ dẫn đến sự hung hăng, cồn đồ của Trần Thanh Bình được đối tượng khai vì muốn... gặp vợ con ở quê.

Ngày 16/9, tại phòng CSHS - CATP Hà Nội, sau khi được Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS động viên, Trần Thanh Bình bắt đầu khai nguyên nhân dẫn đến hành vi khống chế “con tin” tại khu tập thể E6 Thanh Xuân Bắc.

Sinh ra và lớn lên ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, sau khi học hết phổ thông, Trần Thanh Bình lập gia đình và hiện tại đã có 2 mặt con, đứa nhỏ mới 5 tháng tuổi. Hai vợ chồng Trần Thanh Bình đều làm công nhân Công ty Kho vận Đá Bạc, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 ngày, Bình đã tự nghỉ việc với lý do không thích làm bảo vệ, muốn được làm công nhân như vợ.

Trong thời gian nghỉ việc ở nhà, với sức ép gia đình đè lên vai bởi con còn nhỏ, lại nghe có điều tiếng than phiền bỗng dưng mình là gánh nặng của vợ con, Bình đã nảy ý định lên Hà Nội tìm việc làm và “găm” 4 triệu đồng vào người. Bình đã tìm đến địa bàn quận Thanh Xuân, vì biết ở đây có nhiều nhà trọ cho sinh viên thuê và có người cô họ là Trần Thị Bé, SN 1958, hiện đang ở nhà E7, tập thể Thanh Xuân Bắc, với hy vọng sẽ bấu víu vào cô trong lúc khó khăn ở thành phố.

Tuy nhiên, sau vài ngày lang thang ở Hà Nội không kiếm được việc làm, chiều 15/9, Trần Thanh Bình định lên xe buýt từ Thanh Xuân ra bến xe Gia Lâm để về TP Uông Bí. Thế nhưng, lục túi chỉ còn tờ 2.000 đồng, Bình đành lang thang về khu tập thể Thanh Xuân Bắc để tìm gặp người cô nhờ giúp đỡ. Chưa tìm được nhà cô ở thì trời sập tối và đổ mưa lớn, Bình đã chui lên mái nhà E6, tập thể Thanh Xuân Bắc để trú mưa và thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy khi trời đã sáng, Bình xuống cầu thang, gặp bà Hồng đã nảy ý định khống chế “con tin” nhằm mục đích ép họ tìm nhà bà cô cho mình liên lạc để được gặp vợ con.
Ảnh cưới của vợ chồng Bình.
Theo lời khai báo của nạn nhân Đỗ Thị Ánh Hồng, Trần Thanh Bình không hề tỏ thái độ muốn cướp hoặc cưỡng đoạt tài sản, mà chỉ ép bà Hồng phải tìm bằng được bà Bé để hung thủ liên lạc gặp được vợ con, thì các “con tin” mới được tự do.

Trong khi đó, bản tin trên báo Gia đình và Xã hội cho biết, ở nhà, y có biệt danh là "Bình béo", có lẽ chủ yếu là do hình dáng to béo của y.

Bình tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội hệ tại chức năm 2012. Đang làm việc tại Công ty Kho vận Đá Bạc (TP Uông Bí), giữa tháng 8 vừa qua, Bình đột ngột tạm chấm dứt hợp đồng lao động. Song chỉ hơn nửa tháng sau, Bình đã quay lại Công ty để ký lại hợp đồng lao động, nhưng từ thời điểm đó không thấy đi làm nữa.

Vợ của Bình là một phụ nữ 23 tuổi tên là H. cùng tại Công ty kho vận Đá Bạc. Hàng xóm cho biết, gia đình Bình quan hệ bình thường với bà con trong khu phố.
Bình đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội hệ tại chức năm 2012.
Qua xác minh từ Công an TP Uông Bí, Bình là đối tượng không có tiền án, tiền sự, không nghiện ngập... Trước khi đi Hà Nội để thực hiện vụ bắt cóc con tin sáng 16/9, đối tượng được cho là nợ hơn 100 triệu đồng và được gia đình trả nợ.

Hiện tại, cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được động cơ mục đích của Bình trong vụ bắt cóc, khống chế con tin.
Tuệ Lâm (nguồn: Nguoiduatin

Xem thêm bài:

Kẻ khống chế con tin bỏ nhà vì không được làm… công nhân

Theo tin tức từ cơ quan điều tra, đối tượng trong vụ khống chế 3 con tin sáng nay bỏ nhà lên Hà Nội do nợ nần và bức xúc về chuyện làm bảo vệ mãi mà không được làm công nhân.

Chiều 16/9, trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, Phòng Cảnh sát Hình sự – Công an thành phố đã chính thức thông tin cho báo chí về vụ việc đối tượng Trần Thanh Bình (SN 1986, ở Uông Bí, Quảng Ninh) khống chế 3 con tin tại phòng 401, nhà E6, khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội).

Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội cho biết, về động cơ, mục đích của đối tượng khi khống chế các con tin và cố thủ trong nhà thì cơ quan điều tra cần có thời gian làm rõ, khi làm rõ sẽ cung cấp lại thông tin. Bởi khi đối tượng có lời khai còn phải kiểm chứng mới có thể kết luận được.

Cũng theo lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự, thì sau khi xác định được đối tượng Trần Thanh Bình quê ở Uông Bí, Quảng Ninh, ở quê còn có một vợ và 2 con, thì cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội đã liên lạc với công an Uông Bí, phối hợp dùng xe đặc chủng để đưa người nhà đối tượng lên tham gia thuyết phục.

“Cũng theo tin tức từ cơ quan công an huyện Uông Bí, thì đối tượng Trần Thanh Bình không có biểu hiện nghiện, không ngáo đá và chưa có tiền án, tiền sự, cũng không phải là đối tượng hay tụ tập nghiện ngập, rượu chè. Cả hai vợ chồng đều là công nhân và Bình vừa nghỉ việc được 20 ngày” – Đại tá Dương Văn Giáp thông tin.

Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cũng cho biết thêm, trước khi bỏ nhà lên Hà Nội, đối tượng Trần Thanh Bình có nợ nần ở địa phương, gia đình cũng đã trả hộ 110 triệu đồng nhưng vẫn chưa hết nợ.

Trong quá trình đối tượng đầu hàng và lên xe cùng đi với Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội – Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, khi được lãnh đạo công an thành phố hỏi lý do vì sao lại bỏ nhà ra đi, đối tượng Trần Thanh Bình cũng cho biết, bỏ đi là do bức xúc vì đi làm mãi mà chỉ được làm bảo vệ, không được làm công nhân, không được học hành. Sau đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng đã khuyên nhủ và thuyết phục đối tượng chịu khó làm ăn chứ không nên bỏ đi như thế.

Về thắc mắc của báo chí vì sao khi dẫn giải ra ngoài, đối tượng không bị còng tay mà lại được đi cùng xe của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, vì đối tượng đã tự nguyện chấp hành theo yêu cầu của lực lượng Công an nên không nhất thiết phải còng tay, đây cũng là hành động thể hiện tính nhân đạo của pháp luật và tình cảm con người.

Sau sự việc trên, Đại tá Giáp cũng đưa ra chia sẻ rằng, với những trường hợp tương tự thì trước tiên cần phải xử lý thông tin thật nhanh, từ tổ dân phố, Công an phường đến các lực lượng khác.

Bên cạnh đó, trong tất cả các vụ giải cứu con tin ở địa bàn, đặc biệt khu dân cư đông không được để người dân tụ tập đông vì có nhiều bất lợi: Đối tượng đang trong tình trạng bị kích động rất dễ có những hành động bột phát bất lợi.

“Ví dụ như vụ khống chế bắt cóc con tin năm 2003 tại quận Hà Đông, khi vụ việc xảy ra có khoảng 300 người dân vây quanh hiện trường nên đối tượng cố thủ trong nhà cả ngày đêm. Sau khi giải tán được đám đông, đối tượng nhanh chóng đồng ý theo Công an ra ngoài” - Đại tá Dương Văn Giáp thông tin.

Cũng theo lãnh đạo phòng PC45 thì trong những trường hợp tương tự, thuyết phục đối tượng là phương án tối ưu, phải dựa vào người thân hoặc người có ảnh hưởng giúp thuyết phục đối tượng từ bỏ ý định phạm tội.
Theo: Nguoiduatin/Báo Đời sống Pháp luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét