Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Những bí mật chưa từng công bố về vụ án huyền thoại Tạ Đình Đề

Cuộc đời của Tạ Đình Đề bắt đầu bằng những câu chuyện huyền thoại và kết thúc cũng bằng những câu chuyện huyền thoại. Ông nổi danh với những hoạt động cách mạng được xem như huyền thoại. Sự ngang tàng, trượng nghĩa của mình mà Tạ Đình Đề có rất nhiều bạn bè. Nhưng rồi sau đó, chính điều đó làm hại ông. Cuộc đời ông cũng là một chuỗi ngày dài bị oan khuất...
Mời các bạn đọc bài viết "Những bí mật chưa bao giờ được công bố về vụ án huyền thoại Tạ Đình Đề" được đăng tải trong chuyên đề “Hậu trường những vụ án nổi tiếng trong lịch sử tố tụng Việt Nam" của Tạp chí Pháp lý điện tử.

Căng thẳng lệnh “tạm giam đặc biệt”
Tạ Đình Đề (còn có tên là Lâm Giang), ông sinh ngày 8/8/1917, mất 17/1/1998 tại Hà Nội, quê tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng, Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Cuộc đời của ông bắt đầu bằng những câu chuyện huyền thoại và kết thúc cũng bằng những câu chuyện huyền thoại. Ông cũng nổi danh với những hoạt động cách mạng được xem như huyền thoại. Sự ngang tàng, trượng nghĩa, chí khí của ông, khiến ông có rất nhiều bạn bè. Nhưng rồi chính điều đó làm hại ông, để cả cuộc đời là những chuỗi ngày dài bị oan khuất…

Ông bị bắt 2 lần nhưng chỉ có 1 lần đưa ra xét xử. Đó là năm 1975. Sau 10 năm, ông tiếp tục bị bắt về một tội danh khác, nhưng sau một thời gian tạm giam, ông đã được thả tự do mà không phải đưa ra xét xử. Về vụ án thứ nhất thì hầu như ai cũng biết vì được xét xử công khai và thu hút dư luận quan tâm rất lớn thời đó. Nhưng ở vụ án thứ hai, rất ít người biết vì sao Tạ Đình Đề bị bắt, vì sao lại được tha bổng mà không đưa ra xét xử?. Những năm giữa thập kỷ 80, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước ta diễn biến khá phức tạp. Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C) của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải thụ lý kiểm sát điều tra nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.

Đáng chú ý là vào dịp này, Vụ 2C thụ lý kiểm sát điều tra vụ án Tạ Đình Đề phạm tội về an ninh. Trước đây, ngày 27/11/1974 Tạ Đình Đề đã từng bị bắt giam, tuy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái chế độ, tham ô và Hối lộ. Tuy nhiên, khi xét xử, Chủ tọa phiên tòa lúc đó là bà Phùng Lệ Trân đã phân tích sâu sắc và lần lượt bác bỏ thẳng thừng các lập luận của cáo trạng của VKSNDTC đã quy kết cho bị cáo. Sau đó, ngày 4/7/1975, Hội đồng xét xử quyết định tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội và tuyên bố tha bổng ông tại phiên tòa. Hơn 10 năm sau, ngày 15/09/1985, Tạ Đình Đề lại bị bắt giam về tội Phản tuyên truyền. Sau hơn một năm tạm giam, Cơ quan điều tra đề nghị VKSNDTC tiếp tục gia hạn giam đặc biệt 4 tháng.
Tạ Đình Đề (bên phải) - Cuộc đời nhiều huyền thoại nhưng lắm đắng cay
Tuy nhiên, vì đây là một nhân vật quá nổi tiếng trong khi nhiều chứng cớ bắt ông chưa được thuyết phục nên để tiếp tục gia hạn, VKSNDTC phải đưa ra các lý lẽ thật thuyết phục.

Có một tình tiết quan trọng về lý lịch của Tạ Đình Đề là: theo bản tự khai của ông thì việc Tạ Đình Đề đi học trường đặc vụ ở Trung Quốc và làm gián điệp cho Mỹ và Tưởng là được tổ chức của ta phân công nhiệm vụ. Về việc Tạ Đình Đề có quan hệ với một số đối tượng xấu nhưng bị can khai rằng hoàn toàn không biết. Có trường hợp tuy biết nhưng trong quan hệ ấy cũng chỉ ở mức bình thường.
Về lai lịch của của Tạ Đình Đề, trong hồ sơ vụ án được ghi rõ ràng: Tạ Đình Đề sinh năm 1917 tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây. Trú quán tại số 8 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Vào Đảng tháng 6 năm 1946.
Tháng 3/1936, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tạ Đình Đề sang Vân Nam, Trung Quốc cùng với cha và anh trai làm việc tại Công ty Hỏa xa. Trong những năm công tác tại đây, Tạ Đình Đề đã tham gia Hội Ái hữu cứu quốc sau đổi thành Việt Nam Giải phóng cứu quốc do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Năm 1941, Tạ Đình Đề được tổ chức cử đi học ở Liễu Châu, Trung Quốc. Tạ Đình Đề được đào tạo tại các Trường Hạ sĩ quan, Trường Đặc vụ của Quốc dân Đảng ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, Trường Đào tạo gián điệp ở Dương Trung Hải, Trung Quốc. Đây là nơi đào tạo sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái xe, lái máy bay… Tạ Đình Đề tốt nghiệp xuất sắc Trường quân sự Hoàng Phố và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật.

Sau đó, Mỹ đã đưa Tạ Đình Đề đi đào tạo nhảy dù ở Ấn Độ và Mỹ. Năm 1944, Tạ Đình Đề được Mỹ và Tưởng Giới Thạch đưa về hoạt động tại Huế, Sài Gòn để điều tra tình hình vùng quân đội Nhật Bản kiểm soát. Tháng 8.1945, Tạ Đình Đề tham gia cách mạng và đã qua các công tác như cán bộ Ty Liêm phóng Hà Đông, Phó Ban tình báo Liên khu 2. Nhưng địa bàn hoạt động chủ yếu là nội thành Hà Nội. Ông đã giữ các chức Trưởng ban Tình báo Tây Tiến; Đội trưởng biệt động Liên khu 2; Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3. 1953, Tạ Đình Đề được cử đi học trường sĩ quan ở Trung Quốc.

Cũng lưu ý rằng, trong thời gian này, tình hình kinh tế- xã hội của đất nước ta vô cùng khó khăn. Nhất là chính sách giá-lương-tiền đưa đến việc đổi tiền vào tháng 9 năm 1985. Việc làm này đã đẩy giá hàng hóa tăng gấp 10 lần, trong khi lương của cán bộ nhân viên, công nhân thấp lẹt đẹt. Lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Đói xảy ra nhiều nơi. Riêng tại Hà Nội, nhân dân phải thường xuyên xếp hàng dài để chờ mua gạo, dầu hỏa, vải, thực phẩm. Hàng tiêu dùng thiếu nghiêm trọng. Trong lúc đó, có những cửa hàng thực phẩm bán ưu tiên, bao cấp cho một số cán bộ có tiêu chuẩn. Chức vụ càng cao thì tiêu chuẩn càng lớn.

Kể chuyện này để bạn đọc thấy rằng thời ấy, cái ăn, cái mặc là nỗi lo đầu tiên, nỗi lo lớn nhất, nỗi lo thường nhật của đại đa số người dân. Đâu đâu cũng xuất hiện những câu ca dao hò vè châm biếm, trào phúng. Do vậy, nhiều người cho rằng, việc Tạ Đình Đề có thuộc một số câu ca dao, hò vè mang tính chất châm biếm cũng là chuyện bình thường.

Trong hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề có một tình tiết đáng chú ý. Theo quy định của pháp luật hiện hành, một người được Tòa án tuyên bố không phạm tội thì họ phải được khôi phục quyền lợi. Nhưng sau khi bị bắt giam và được Tòa án Hà Nội tuyên tha bổng (ngày 4/7/1975), Tạ Đình Đề vẫn không được các cơ quan có liên quan khôi phục quyền lợi và danh dự. Thậm chí, nhiều người vẫn quan niệm rằng, Tạ Đình Đề vẫn là người phạm tội vì vụ án đó đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị phúc thẩm (nhưng không được xét xử).

Trong hồ sơ vụ án, có nhiều căn cứ chưa đủ để khẳng định Tạ Đình Đề có ý thức chống đối chế độ, chống Nhà nước XHCN. Bởi theo lời khai của Tạ Đình Đề thì sở dĩ bị can có hành vi như vậy, nếu có sai thì chỉ là hành vi phản tuyên truyên, xuất phát từ ý thức bất mãn mà thôi. Nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi phản tuyên truyền chưa phải là tội phạm.

Đây là nhận định của Kiểm sát viên Dương Thanh Biểu, cán bộ vụ 2C và là người được giao nghiên cứu hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề để báo cáo lên lãnh đạo. Tuy nhiên, ông bảo vì đây là nhận định rất mới, khác với quan điểm của nhiều người nên ông cũng chưa dám báo cáo lãnh đạo Vụ. “Có lúc tôi nghĩ, mình chỉ là thằng cán bộ quèn, ăn nói không cẩn thận có khi bị chụp mũ thì gay go đấy. Thành thực mà nói, lúc bấy giờ, tôi rất phân vân không biết nên báo cáo thế nào”, ông Dương Thanh Biểu kể lại.

Vị kiểm sát viên trẻ tuổi Dương Thanh Biểu cảm thấy hơi lo lắng khi báo cáo quan điểm về vụ án này. Vì trong hồ sơ, có những vị chức sắc quyền cao chức trọng đã khẳng định như đinh đóng cột là phải xử Tạ Định Đề về tội chống đối chế độ! Do vậy, ông lại tiếp tục nghiền ngẫm nghiên cứu hồ sơ.

Khi kể lại vụ án này, TS Dương Thanh Biểu (sau này là Phó Viện trưởng VKSNDTC, giờ ông đã nghỉ hưu) cho biết, một chi tiết của hồ sơ vụ án khiến ông dần dần vững tâm với quan điểm của mình. Đó là, Tạ Đình Đề bị bắt giam hơn một năm rồi, mặc dù Cơ quan điều tra đã có nhiều biện pháp, xác minh nhiều nhân chứng ở nhiều địa bàn khác nhau nhưng kết quả điều tra không có gì mới. Trong trường hợp này nếu tiếp tục gia hạn tạm giam đặc biệt cũng không giải quyết được việc gì. Do vậy, ông thấy trong trường hợp này việc gia hạn tạm giam đặc biệt là không cần thiết.

Tuy nhiên, đây là trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia nên phải hết sức cẩn trọng. “Tôi có hỏi một số anh là kiểm sát viên giàu kinh nghiệm để họ góp ý thêm. Khi nghe tôi trình bày về quan điểm của mình, có người góp ý: “Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào đặc biệt như thế này. Đã phạm tội an ninh quốc gia thì không xử lý hình sự phải xử lý hành chính”. Sau đó họ còn đặt câu hỏi: “Nếu tạm tha người phạm tội an ninh quốc gia thì quản lý ra sao? Nhỡ ra họ trốn thì coi chừng mình bị tiêu luôn đấy. Cho nên cứ phải tạm giam, sau đó hẵng hay”. Tôi thấy quan điểm của mình không đồng thuận với mọi người rồi. Gay go quá! Từ đó, làm gì, đi đâu trong đầu tôi cũng nghĩ về Tạ Đình Đề với câu hỏi “Có cần tạm giam nữa hay không?”, TS Dương Thanh Biểu kể lại về những ngày “đấu tranh” tư tưởng về những trái chiều trong vụ án.

Khi báo cáo được hoàn thiện và gửi cho đồng chí Phó Vụ trưởng Phan Xuân Bá, có nhiều tình tiết gay cấn đã nổ ra giữa một bên bảo vệ Tạ Đình Đề không phạm tội và một ngược lại rất căng thẳng.
Sau khi nghe kiểm sát viên Dương Thanh Biểu trình bày quan điểm, ông Phan Xuân Bá đồng ý và cho rằng, đây chỉ là hành vi phản tuyên truyền mà theo Bộ Luật Hình sự thì đối với hành vi này không phải là tội phạm an ninh. Nếu phê chuẩn là không đúng pháp luật.

Tuy nhiên, những ý kiến này không được Vụ trưởng Lê Mai đồng ý. Với bản tính thẳng thắn, ông Bá phản ứng: Việc trước đây ta chưa nêu đúng bản chất sự việc là do ta chưa nhận thức đúng. Bây giờ nhận thức đúng hơn mà ta vẫn tiếp tục tạm giam Tạ Đình Đề thì tôi thấy không yên tâm lắm.

Sau ý kiến của đồng chí Vụ phó Phan Xuân Bá, Vụ trưởng Lê Mai hạ giọng: Nội dung mà báo cáo của đồng chí Biểu thì tôi đã báo cáo lãnh đạo Viện. Lãnh đạo Viện cho ý kiến: Vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia là trên hết nên chúng ta cũng cần tạo điều kiện cho cơ quan bạn hoàn thành nhiệm vụ. Vụ 2C cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ những nội dung còn tồn tại trong vụ án này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tạm giam thì Vụ 2C phải có yêu cầu cụ thể. Sau thời gian mà Cơ quan điều tra không làm rõ thì giải quyết dứt điểm, không kéo dài nữa.

Do mệnh lệnh của cấp trên và có thể do những vấn đề “nhạy cảm” khác nên lệnh tạm giam vẫn được phê chuẩn. Khi đưa các quyết định gia hạn tạm giam đặc biệt đã được ký cho đồng chí Dương Thanh Biểu, ông Phan Xuân Bá nói:

Xét về cả hai mặt lý và tình thì tớ thấy tiếp tục tạm giam Tạ Đình Đề là không cần thiết. Nhưng đây là mệnh lệnh cấp trên ta đành phải chấp hành. Tớ đã ký quyết định phê chuẩn gia hạn nhưng có ghi mấy chữ vào mảnh giấy này để sau đây nhỡ có vấn đề gì thì còn thanh minh. Cậu nhớ lưu hồ sơ vụ án này cẩn thận đấy nhé – Nói đến đây ông cười- Biết đâu, sau này chúng tớ nghỉ hưu, cậu lại là người thanh minh cho chúng tớ đấy!

Điều đặc biệt kèm theo 4 lệnh là trang giấy được ông ghi nắn nót: Bốn lệnh này tôi đã ký để hợp thức hóa. Việc làm thủ tục này tôi thấy rất băn khoăn. Là người cán bộ, đảng viên phải chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng. Tôi viết mấy dòng này để bộc lộ tâm tư mình.

Sau đó, quyết định gia hạn tạm giam được tống đạt cho Tạ Đình Đề. Sau một thời gian gia hạn tạm giam đặc biệt, vụ án được kết thúc điều tra và chuyển sang truy tố.
Sau Quyết định gia hạn và kết thúc thời hạn “tạm giam đặc biệt”, vụ án Tạ Đình Đề được kết thúc điều tra và chuyển sang truy tố. Tuy nhiên, vụ án mãi không bao giờ được xét xử và sau đó Tạ Đình Đề được tha bổng mà chính ông cũng không bao giờ biết được bí mật “hậu trường” trong vụ án này.
Gay cấn chuyện đấu tranh trả tự do cho Tạ Đình Đề
Vụ án Tạ Đình Đề là một vụ án phức tạp. Do đó, lãnh đạo Vụ 2C, Viện KSDNTC đã tổ chức cuộc họp để thảo luận với hình thức là một buổi học tập nghiệp vụ. Thông thường các buổi học nghiệp vụ này tập trung thảo luận các vụ án đang có nhiều ý kiến khác nhau. Lần này, vụ án Tạ Đình Đề được chọn đưa ra tại buổi thảo luận.

Mở đầu buổi học tập, Phó vụ trưởng Vụ 2C Phan Xuân Bá thông báo tóm tắt: Vụ án Tạ Đình Đề đã được kết thúc điều tra chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố. Tuy nhiên, hiện nay có hai quan điểm về đánh giá chứng cứ và đường lối xử lý: – Quan điểm thứ nhất cho rằng, có đủ căn cứ khẳng định Tạ Định Đề phạm tội tuyên truyền chống chế độ XHCN. – Quan điểm khác thì ngược lại.

Lúc ông Phan Xuân Bá đưa ra đề nghị, không ai có ý kiến gì. Nhưng sau đó thì sôi nổi đến mức căng thẳng vì quan điểm trái chiều giữa các kiểm sát viên.

Người đầu tiên có quan điểm: Cơ quan điều tra đã thu thập các chứng cứ khẳng định Tạ Đình Đề phạm tội tuyên truyền chống chế độ với đầy đủ các tài liệu. Bị can cũng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong hoàn cảnh hiện nay, những câu ca dao hò vè đó có tính chất bôi bác, chế giễu, đã kích các đồng chí lãnh đạo. Đây là luận điệu tuyên truyền có tác động rất lớn đến tư tưởng cán bộ, nhân dân, gieo rắc sự hoài nghi về tư cách của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Để thể hiện ý chí tiến công tội phạm và để phục vụ tình hình chính trị hiện nay, tôi thống nhất như đề nghị của Cơ quan điều tra là Tạ Đình Đề đã phạm tội tuyên truyền chống chế độ.

Bỗng, phía bên phải có tiếng nói to: Đã giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo không có tội thì không ổn. Tôi đề nghị thống nhất với ý kiến của Cơ quan điều tra!

Ý kiến khác: Nhưng chứng cứ thế này thì khó kết tội người ta lắm!
Ở góc khác, có ý kiến phát biểu: Các câu ca dao, hò vè này người ta truyền khẩu rộng khắp, đến mấy đứa trẻ con nhà tôi cũng thuộc và đọc cho nhau nghe. Vậy cứ ai đọc các câu ca dao đó là có tội chắc. Tôi thấy ta hay suy diễn quá, máy móc quá. Do vậy, với hành vi như vậy chả có tội tình gì cả.

Sau ý kiến này, giữa một vài kiểm sát viên bắt đầu tranh luận rất căng thẳng. Ai cũng bảo vệ ý kiến của mình là đúng. Thậm chí cao trào sự việc chỉ kết thúc khi Vụ trưởng Lê Mai đập tay xuống bàn thì căn phòng mới trở lại im ắng.

Lúc này, kiểm sát viên Dương Thanh Biểu, người được lãnh đạo giao nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ phát biểu. Ông cho rằng, với những tài liệu đã có thì vụ án đến giai đoạn này không có gì mới so với hồ sơ vụ án khi gia hạn giam đặc biệt. Chứng tỏ, tuy Cơ quan điều tra mất rất nhiều thời gian nhưng hồ sơ vụ án cũng không có gì tiến triển. Các tài liệu như ca dao, hò vè có tính chất châm biếm, trào phúng thời kỳ khó khăn của Hà Nội là một thực tế. Hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều người thuộc các câu ca dao hò vè ấy. Nội dung các câu ca dao hò vè ấy theo kiểm sát viên Dương Thanh Biểu không phải là chống Nhà nước, chống chính quyền mà chính là đả kích cơ chế bao cấp, phân phối không công bằng trong xã hội. Vì vậy, dù người sáng tác hay người thu lượm các câu ca dao ấy không phải nhằm chống chế độ.

Mặt khác, trong vụ án trước, Tạ Đình Đề là người được Tòa án tuyên không phạm tội. Vụ án bị kháng nghị phúc thẩm nhưng không được xét xử phúc thẩm, do vậy sau đó Tạ Đình Đề vẫn được coi là người có tội, mọi chế độ của ông không được ai giải quyết. Trong bối cảnh đó, đúng như lời khai của bị can, việc ông thu lượm các câu hò vè ấy là xuất phát từ sự bất mãn với các cơ quan cấp trên của Tạ Đình Đề không thực hiện các chế độ chính sách đối với ông. Như vậy, các tài liệu có trong hồ sơ chỉ nói lên bị can vì bất mãn mà có các hành vi thu lượm ca dao hò vè, chứ hoàn toàn không phải vì mục đích chống chế độ. Với các tài liệu của hồ sơ vụ án cho thấy, Tạ Đình Đề không phạm tội tuyên truyền chống chế độ.
Tạ Đình Đề - Cuộc đời nhiều huyền thoại nhưng lắm đắng cay
Một người khác ngồi ở góc phòng, từ trước đến giờ không phát biểu, vừa rít xong một điếu thuốc lào, đứng dậy: Tạ Đình Đề là người có công. Ta bắt bỏ tù một lần không được. Nay lại tiếp tục truy tố ông ra tòa khi mà chứng cứ lởm khởm như vậy là không thể chấp nhận. Trước đây, trong phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề chúng ta đã chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân. Lần này, nếu cứ tiếp tục tư duy chuyên chính để truy tố Tạ Đình Đề trong tình trạng hồ sơ vụ án như vậy thì chính chúng ta sẽ đánh mất lòng tin của nhân dân. Tôi thấy nếu cứ tiếp tục xét xử Tạ Đình Đề thì không thể lường được hậu quả sẽ như thế nào. Đề nghị không nên truy tố Tạ Đình Đề!

Sau đó, còn có một vài ý kiến cho rằng, Tạ Đình Đề có quan hệ chính trị rất phức tạp. Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố mà VKSNDTC lại nói không truy tố thì rất ái ngại. Do vậy, có ý kiến đề nghị có hai phương án giải quyết đối với vụ án này: Thứ nhất là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ truy tố ra tòa theo như đề nghị của Cơ quan điều tra, nhưng khi xét xử có thể tuyên phạt rất nhẹ, thậm chí cảnh cáo trước tòa cũng được! Như vậy chứng tỏ pháp luật của chúng ta nghiêm và cũng thể hiện sự chiếu cố đến quá trình hoạt động cách mạng của bị cáo. Thứ hai, nếu phương án này không được thì chuyển sang tập trung cải tạo. Bởi vì từ trước tới nay, đã phạm tội an ninh quốc gia thì không truy tố cũng đưa đi tập trung cải tạo. Như vậy mới làm trong sạch địa bàn, tăng cường chuyên chính răn đe với kẻ thù. Như vậy ta vẫn giữ được quan điểm đấu tranh chống tội phạm trong điều kiện hiện nay.

Suy nghĩ khá lâu, kiểm sát viên Dương Thanh Biểu xin phát biểu. Ông cho rằng, theo quy định của biện pháp tập trung cải tạo thì những người bị áp dụng biện pháp này cũng phải có điều kiện như thành phần phản cách mạng không chịu cải tạo, bọn lưu manh chuyên nghiệp và có hành vi nguy hiểm cụ thể… Đối với Tạ Đình Đề, một con người theo Đảng, theo Bác Hồ đi làm cách mạng từ khi tuổi đời còn rất trẻ nên không thuộc đối tượng như pháp luật quy định. Đồng thời hành vi của ông ta cũng chỉ xuất phát từ động cơ bất mãn mà thôi. Mặt khác, dư luận báo chí cho rằng Điều 10 của Bộ Luật Hình sự quy định: Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nên các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên bỏ quy định về tập trung cải tạo, vì không phù hợp với điều kiện xã hội dân chủ ở nước ta. Nếu áp dụng biện pháp đưa đi tập trung cải tạo thì càng oan cho ông ta, lúc đó chính chúng ta là đơn vị phải giải quyết kêu oan của họ.
Huân chương Độc lập hạng 3 của Chủ tịch nước truy tặng ông Tạ Đình Đề.
Sau một vài ý kiến tranh cãi căng thẳng, Vụ phó Vụ 2C Phan Xuân Bá nhìn mọi người rồi phát biểu: Rồi đây tập thể lãnh đạo Vụ 2C sẽ họp và có ý kiến chính thức về vụ án này. Nhân đây tôi xin phát biểu ý kiến cá nhân để các đồng chí tham khảo. Chúng ta không nên nghi ngại người ta cho rằng mình không có tinh thần đấu tranh chống tội phạm nếu không truy tố. Một câu hỏi đặt ra cho Vụ 2C cần được trả lời là, việc đưa một vụ án ra truy tố trong lúc chứng cứ còn rất yếu thì chúng ta đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Tôi băn khoăn một điều mà chưa có lời giải: nếu chúng ta quyết định truy tố Tạ Đình Đề thì rất có thể Tòa án sẽ lại tuyên không phạm tội như trước đây. Trong trường hợp như vậy thì hậu quả còn nặng nề hơn, VKSNDTC sẽ mất lòng tin rất lớn với nhân dân. Còn áp dụng biện pháp tập trung cải tạo thì hoàn toàn không nên vì không có căn cứ và không đúng pháp luật.

Cuộc họp sôi động hẳn lên, nhiều ý kiến tranh luận nhưng không phân nổi thắng bại. Sau cuộc họp, kiểm sát viên Dương Thanh Biểu tiếp tục được lãnh đạo Vụ giao nghiên cứu hồ sơ vì vụ án Tạ Đình Đề đã kết thúc ở giai đoạn điều tra. Cơ quan điều tra chuẩn bị chuyển hồ sơ sang đề nghị truy tố.

Kiểm sát viên Dương Thanh Biểu cho biết, mặc dù là nghiên cứu hồ sơ mới được chuyển sang nhưng tài liệu vụ án không có gì mới, chỉ khác là hồ sơ lần này có bản hỏi cung tổng hợp của Tạ Đình Đề. Nhưng trong bản cung tổng hợp ấy Tạ Đình Đề vẫn khai như trước đây, ông vẫn khai nguyên nhân của việc làm trên đây là do bất mãn với cán bộ có chức quyền, không giải quyết chế độ cho ông ta. “Sau đó tôi tranh thủ báo cáo anh Phan Xuân Bá quan điểm của mình về kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án. Và anh Lê Mai yêu cầu tôi tiếp tục lập luận việc Tạ Đình Đề không phạm tội nên sâu sắc hơn, làm rõ sự khác nhau giữa tuyên truyền chống chế độ XHCN và phản tuyên truyền, qua đó phân tích sự khác nhau giữa mục đích chống chính quyền với mục đích bất mãn. Dự thảo tiếp tục được hoàn thiện, anh Phan Xuân Bá và anh Lê Mai tiếp tục sửa một số câu chữ cho logic để báo cáo lãnh đạo Viện”, TS Dương Thanh Biểu kể lại.

Trời Hà Nội những ngày cuối đông năm 1986 mưa phùn kèm gió bấc lạnh tê tái. Tại cuộc họp giao ban của VKSNDTC có mặt đầy đủ các đồng chí lãnh đạo Viện: Nguyễn Văn Thìn, Trần Tề, Nguyễn Lư, Nguyễn Nam Thắng, dưới sự chủ trì của đồng chí Viện trưởng Trần Lê.

Vụ 2C có Vụ trưởng Lê Mai, Phó Vụ trưởng Phan Xuân Bá, Kiểm sát viên Dương Thanh Biểu được dự họp để ghi chép biên bản.

Thay mặt đơn vị Vụ 2C, anh Phan Xuân Bá trình bày báo cáo đã được chuẩn bị. Báo cáo nêu rõ quan điểm của Cơ quan điều tra thể hiện tại bản kết quả điều tra vụ án số 1547-A24 ngày 29-11-1986 đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Tạ Đình Đề về tội tuyên truyền phản cách mạng và quan điểm của Vụ 2C về Tạ Đình Đề không phạm tội như Cơ quan điều tra an ninh Bộ Nội vụ đề nghị. Trong đó, tập trung nêu lập luận về những vấn đề nghi vấn chính trị của Tạ Đình Đề, nội dung các câu ca dao, hò vè, động cơ, mục đích của hành vi thu lượm các câu ca dao hò vè ấy. Cuối cùng là những đề xuất không truy tố Tạ Đình Đề.

Nghe xong báo cáo, các đồng chí lãnh đạo Viện hỏi một số vấn đề xung quanh động cơ mục đích của Tạ Đình Đề trong việc thu thập các câu ca dao hò vè, những đặc điểm khác nhau giữa hành vi tuyên truyền chống chế độ XHCN và hành vi phản tuyên truyền cùng với lý do đề xuất không truy tố. Các đồng chí lãnh đạo Viện phân tích thêm về nhận thức các cấu thành của tội tuyên truyền chống chế độ XHCN, về nhân thân con người Tạ Đình Đề. Ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Viện đều thống nhất như đề xuất của Vụ 2C. Sau đó đồng chí Viện trưởng Trần Lê kết luận, thống nhất về quan điểm xử lý vụ án này.

Viện trưởng Trần Lê cho rằng, nếu như vụ án này được kết thúc trong giai đoạn hết lệnh gia hạn tạm giam là tốt nhất, không cần thiết phải kéo dài đến giai đoạn gia hạn giam đặc biệt. Chứng tỏ vụ án này cũng khá phức tạp. Theo ông, trước đây VKSNDTC đã đưa Tạ Đình Đề ra truy tố về tội kinh tế nhưng đã bị Tòa án thành phố Hà Nội xét xử, tuyên bố Tạ Đình Đề không phạm tội, tha bổng tại phiên tòa. Mặc dù việc xét xử đó đã được Viện Kiểm sát tối cao kháng nghị nhưng đến nay, thời gian đã lâu nhưng vẫn chưa được Tòa án xét xử phúc thẩm. Theo quy định của pháp luật thì bản án sơ thẩm đó không được xét xử phúc thẩm thì đương nhiên có hiệu lực pháp luật. Nếu lần này chúng ta cứ tiếp tục tuy tố và với chứng cứ còn yếu, chưa rõ ràng như Vụ 2C báo cáo và các đồng chí lãnh đạo Viện phát biểu thì liệu có ai dám nói rằng Tòa án sẽ tuyên Tạ Đình Đề có tội.

Dừng mấy giây, Viện trưởng nói tiếp: Tôi đồng tình với ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Viện, đối với vụ án này thì không nên truy tố, xét xử. Tuy nhiên, đây là quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Còn quan điểm của Cơ quan điều tra lại khác biệt. Vì vậy, Vụ 2C tiếp tục trao đổi với Cơ quan điều tra, đồng thời chuẩn bị các báo cáo để Viện trưởng ký gửi các cơ quan cấp trên và tiếp tục trao đổi lại với lãnh đạo Bộ Nội vụ, tạo sự thống nhất cao giữa các ngành, các cấp!

Ngày 08/01/1987, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Lê đã có văn bản trả lời Bộ Công an. Trong đó có đoạn viết: “Hành vi của Đề lượm lặt những câu ca dao tục ngữ… nói xấu một số cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phổ biến lại cho nhiều người khác nghe là do động cơ bất mãn với cán bộ lãnh đạo kể cả cấp trên và cấp dưới trong quan hệ đối xử với y.

Nhưng Bộ Luật Hình sự quy định tội “Tuyên truyền chống chế độ xã hộ chủ nghĩa” trong Điều 82 là có ý thức chống lại chính quyền nhân dân (vì mục đích phản cách mạng, còn nếu chỉ vì lạc hậu, bất mãn thì chưa quy vào động cơ chống chế độ xã hội chủ nghĩa).

…Nay tiếp tục giam Đề để khai thác về tội gián điệp hiện hành cũng không tiến triển được, nếu không có chứng cứ gì mà chỉ hỏi cung thì không ổn. Vì vậy, chúng tôi thấy không cần đưa việc này ra truy tố, xét xử”.

Thời gian sau đó VKSNDTC tiếp tục gửi báo cáo đến nhiều cấp và đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành. Trong đó có nhiều cuộc họp bị kéo dài do có nhiều quan điểm khác nhau giữa các ngành. Cuối cùng, quan điểm của Viện trưởng VKSNDTC được nhiều cơ quan, ban ngành và nhất là cơ quan cấp cao nhất đồng ý. Tuy nhiên, từ khi Viện trưởng VKSNDTC có quan điểm chính thức về đường lối xử lý đối với Tạ Đình Đề đến lúc các ngành nhất trí thực hiện cũng gần một năm trời. Đây là thời gian đấu tranh rất gay go và phức tạp, nhiều lúc phải thể hiện thái độ kiên quyết, nhưng nội dung lập luận phải có lý có tình. Ngày 07/12/1987, VKSNDTC đã quyết định trả tự do đối với Tạ Đình Đề. Đến đây, vụ án Tạ Đình Đề chính thức được khép lại.

Còn bài học cho vụ án này là gì? Câu trả lời mãi mãi thuộc về những người có trách nhiệm cầm cân nẩy mực của chúng ta! Có lẽ đọc xong những mẩu chuyện trên đây có người lại hỏi: Không hiểu Tạ Đình Đề đã được giải oan hay chưa? Những giai thoại về Tạ Đình Đề bao giờ cũng có hậu. Cứ như mô típ chuyện cổ tích dân gian vậy.

Cuối cùng, người có công với Tổ quốc đã được Đảng và Nhân dân ta tôn vinh ghi nhận. Sau 9 năm ông mất (ông mất ngày 29.2.1998), căn cứ vào thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và xây dựng Đất nước của ông, ngày 11-5-2007 Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định truy tặng Tạ Đình Đề Huân chương Độc lập Hạng Ba. Tuy muộn nhưng cũng là một kết quả có hậu cho Tạ Đình Đề.

Ông mất đi nhưng những huyền thoại về Tạ Đình Đề thì không bao giờ mất. Như trong điếu văn về ông mà Thiếu tướng Văn Phác, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ văn hóa đọc, có đoạn “… Anh Tạ Đình Đề ơi! Xin anh hãy yên nghỉ cùng với những chuyện như huyền thoại đẹp về anh…”  
(Tư liệu bài viết có sự tham khảo trong cuốn hồi ký Theo dòng công lý
Tác giả: TS Vũ Thanh Biểu, nguyên Viện phó VKSNDTC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét