Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Rau muống tiến vua - Bạn đã ăn chưa?

Truyền thuyết kể rằng, xưa có một vị vua đi kinh lý qua đất Linh Chiểu (xã Sen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Nội), dừng chân ở quán Gạn gần đó và thưởng thức món rau muống. Không ngờ màu sắc và hương vị đặc biệt của nó đã làm hài lòng nhà vua. Và thế là hàng năm, người làng Linh Chiểu lại chờ đúng thời điểm rau ngon nhất hái tiến vua.
Loại rau muống tiến vua này chỉ có ở thôn Linh Chiểu, , bởi chỉ có nơi đây mới có loại đất phù sa màu mỡ và mạch nước sủi từ nguồn nước sông Hồng để tạo nên một trong "tứ quý" (dơi Sài Sơn, cá chép Cấn Khánh, cua đồng Khánh Hiệp, rau muống Linh Chiểu) trong thực phẩm của miền đất xứ Đoài mà người xưa đã chọn để làm sản vật cung tiến lên vua.

Rau muống tiến vua thân trắng nõn, dài 30-40cm, ngọn nhỏ, vươn dài, lá thưa và nhỏ, ăn ngọt, giòn và thơm, có vị rất riêng và có thể chế biến được nhiều món. Là một loại giống rau quý nhưng qua nhiều thời gian thăng trầm của cơ chế thị trường, giống rau này đã bị thoái hóa, mai một dần.
Rau muống tiến vua
Rau muống Linh Chiểu rất đặc biệt, sánh ngang với yến sào, sâm cầm… trong 10 món ăn tiến vua xưa.
Chi Rau muống (Ipomoea) là một Chi thực vật thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), có nguồn gốc vùng nhiệt đới Châu Á, khu vực Nam và Đông Nam Á, nhiệt đới Châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ và châu Đại Dương.
Trước đây cả cánh đồng của làng Linh Chiểu bạt ngàn rau muống tiến vua. Nhưng giờ, một phần các cánh đồng rau muống đã biến thành nhà ở. Người dân nơi đây cũng không mặn mà với giống rau này vì năng suất thấp, nhiều sâu bệnh, trong khi giá bán không cao hơn rau muống thường do đó giống rau này bị bỏ rơi và thoái hóa dần.

Giống rau muống tiến vua của làng Linh Chiểu là giống rau ngọn, được cấy rất thưa. Mỗi gốc cách nhau khoảng 40 cm để cho rau bò ngọn dài và thẳng, 10 ngày hái 1 lần (rau thường chỉ cách khoảng 15 cm, 5-7 ngày là có thể hái được).

Rau ngọn này rất ít lá, màu xanh ngả trắng, thân to bằng cái đũa, ăn sống có vị giòn, ngọt. Người dân ở đây thường luộc hoặc ăn sống.

Giống rau ngon, cộng với làng Linh Chiểu có nguồn nước mạch sông Hồng phun lộ thiên trên những cánh đồng làng (gọi là mạch nước sủi), nước trong vắt nên rau muống càng có vị đặc thù…

Rau muống tiến vua có lá phân đôi (lá luôn có hai nhánh), cuống lá hình lăng trụ tam giác. Thân lá có kích cỡ từ ngón tay út đến lớn như ngón tay cái. Điểm độc đáo của loại cây này là khi đem phơi khô cho teo tóp lại, bảo quản kỹ, có thể để cả năm, khi cần dùng đem ngâm nước từ vài giờ đến nửa ngày, rau khô sẽ nở ra lớn gần bằng kích thước ban đầu của rau tươi, nhưng dĩ nhiên màu sắc rau không thể đẹp như rau tươi. Rau tiến vua phổ biến thị trường hiện nay thường ở dạng đã được phơi khô.

Rau tiến vua khô sau khi ngâm nước cho nở mềm là có thể sử dụng ngay như dùng chấm kèm với các món cá kho, thịt kho... Cắt miếng để nấu thành những món canh, soup… với các loại thịt cá. Phổ biến nhất vẫn là dùng rau tiến vua làm thực phẩm chính trong các món salad mà Việt Nam ta vẫn hay gọi là gỏi hay nộm.

Ngoài làng Linh Chiểu và Sen Chiểu, “rau muống tiến vua” cũng đã được trồng ở làng Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh), loại rau có cuộng dài như dải áo, ít lá, lá nhỏ, trắng xanh, ăn giòn giòn, ngòn ngọt, bán có giá cao gấp 3-5 lần so với rau muống thông thường. Thế nhưng, giờ đây, loại rau này chỉ còn trong ký ức, mùi vị cũng thoảng theo gió, trôi xa...

Hiện nay “rau muống tiến vua” sấy khô xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn ngập vào thị trường Việt Nam, được ca ngợi và thổi phòng của các nhà hàng sang trọng từ Bắc vào Nam với giá rất cao.

Thực ra loại rau đã sấy khô không có giá trị gì về hương vị và dinh dưỡng so với rau muống tươi bình thường. Vì vậy các bạn nên chọn lựa “rau muống tiến vua” tươi của Việt Nam đang phục hồi thương hiệu chính thống hơn là ăn “rau tiến vua khô” từ Trung Quốc có thể bị ngộ độc do chất bảo quản không an toàn thực phẩm có thể tai hại cho sức khỏe!
VneNews (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét